Bài thứ
hai
CON TRAI ĐUỔI MẸ ĐỂ GIÀNH NHÀ
Ngày
giáp Tết, đứng trước bàn thờ tạm bợ của người chồng, bà Nguyễn Thị Hợi (75
tuổi) không giấu được những giọt nước mắt nghẹn ngào chua xót. Bởi lẽ đứa con
trai mà bà hết lòng thương yêu tin tưởng đã nhẫn tâm với bà: “Tôi chết lặng khi
nó làm đơn trục xuất tôi và em nó ra khỏi nhà.” Bà thì thào qua dòng nước mắt
tuôn trào. Năm 1954 ông Nguyễn Văn Thành kết hôn với bà Nguyễn Thị Hợi. Trong
quá trình chung sống, họ đã có với nhau bảy người con. Theo lời bà Hợi, để có
tiền chi tiêu trong gia đình, ông Thành đã mở cơ sở giày dép tại 597 H, lô T
Đoàn Văn Bơ, Quận 4, sau đó chuyển về địa chỉ 98/55 Đoàn Văn Bơ.
Các con của
ông Thành một số làm công ăn lương tại cơ sở, một số đi làm ở ngoài.Riêng ông Nguyễn Sơn Hà, con trai thứ là
người có công nhiều nhất cho cơ sở giày dép. Năm 1985, ông Hà trúng số được một
lượng vàng cũng tích góp vào xưởng để kinh doanh. Năm 1998, ông Thành qua đời,
ông Hà tiếp quản cơ sở giày dép và làm thủ tục chuyển tên đăng ký kinh doanh
cho mình. Vào năm 1999, sau khi ông Thành mất, bà Hợi đã đưa một số tiền lớn mà
gia đình làm lụng vất vả nhiều năm cho ông Hà để xây căn nhà số 73/8C. Đường
Lâm Văn Bền, quận 7, rồi ông Hà tiếp tục dùng tiền thu được từ hoạt động kinh
doanh để mua thêm vài lô đất nữa. Ông Hà lặng lẽ đứng tên những lô đất và quyền
sở hữu nhà rồi lật ngược thế cờ, đuổi cả mẹ và đứa em trai ra khỏi nhà....
Biết bao lần bà thoi thóp thở trong bệnh
viện, vì nỗi uất nghẹn về đứa con trai mà mình đã mang nặng đẻ đau và đặt trọn
niềm tin tưởng. Rời khỏi căn nhà mà đứa con trai đã đang tâm đuổi mình, bà Hợi chẳng
kịp mang theo gì cả, cái bàn thờ của ông chồng bà vẫn còn nằm nguyên ở đó vì
ông Hà đã thay khóa mới.
Không
thể chấp nhận hành vi của ông Hà, bà Hợi đã cùng một số người con trong gia
đình gởi đơn yêu cầu toà án đưa vụ tranh chấp tài sản ra xét xử. Ngày 28/6/2006
tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM đã tuyên xử: “chấp nhận một phần yêu cầu của bà
Hợi buộc ông Nguyễn Sơn Hà và bà Phạm Thị Thanh Vân - vợ ông Hà phải thanh toán
cho bà Hợi 11,45 lượng vàng SJC và 130.909.000 đồng. Còn tất cả những yêu cầu khác
của bà Hợi muốn lấy lại quyền sở hữu nhà và một số lô đất mà theo bà Hợi đó là
một số tài sản chung của gia đình đều bị toà án bác bỏ. Bởi lẽ ông Nguyễn Sơn
Hà đã chứng minh tất cả tài sản đó là của riêng mình bằng những giấy chứng nhận
quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp. Trước toà, ông Hà đã khẳng định cơ sở
giày dép là toàn bộ tài sản của riêng ông. Sau khi cha mất, vợ chồng ông Hà đã
nhờ bà Hợi giữ tiền dùm. Nên toàn bộ tiền mua đất, xây dựng nhà là tiền của vợ
chồng ông, không liên quan đến bà Hợi .
Trong
phiên toà hôm ấy, nhiều người con đã nghẹn ngào nhắc lại lời bố dặn trước lúc
lâm chung: “Bố chết đi, chỉ mong các con luôn thuận hoà, đừng chia lìa nhau,
đừng để gia đình lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé. Bà Hợi cùng một vài người con
phải ôm tập hồ sơ đi kêu cứu nhiều nơi, khiếu nại ông Hà. Tập thể bà con khu
phố ở phường Tân Thuận Tây, Quận 7 đã gởi đơn lên toà án nhân dân quận 7 đồng
kính xin toà án xét xử đem lại sự công bằng cho bà Hợi, vì ông Hà đã lợi dụng
sự dễ dãi của mẹ mình để chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng ông Hà đã thắng kiện vì
có đầy đủ giấy tờ trong tay. Nhiều năm nay, bà Hợi sống dở chết dở vì nỗi đau
mà ông Hà gây ra. Hôm toà mở phiên xét xử, bà Hợi đã xin phép được vắng mặt vì
chịu làm sao nổi cú sốc đó: “đến tòa chắc tôi chết mất.” Tòa tuyên xử bà Hợi
được chia 1/11 trong số tài sản ông Hà đang nắm giữ. Nhưng tám tháng đã trôi
qua, bà Hợi vẫn chưa nhận được số tiền mà ông Hà và bà Vân phải thanh toán. Bà
Hợi đã hai lần gởi đơn yêu cầu thi hành án, nhưng tất cả chỉ rơi vào im lặng. Bà
Hợi đã làm đơn khởi kiện vụ tranh chấp tài sản giữa bà và ông Hà lên toà án
Quận 7. Trong quá trình thụ lý vụ án hơn một năm ông Hà vẫn được cấp chủ quyền
nhà khi ngôi nhà đang thuộc diện tranh chấp.
Ngày ngày bà Hợi vẫn ngồi thẫn thờ
trong ngôi nhà của người anh cả. Nỗi đau âm ỉ, giằng xé tâm can bà. Lại khóc,
lại nhập viện, bà Hợi biết rằng ông Hà “không chịu thi hành án… “chỉ vì nó đợi
tôi chết để số tiền đó nó không phải hoàn trả lại cho tôi…” Chẳng lẽ các cơ
quan chức năng và toà án các cấp có thể làm ngơ với nỗi đau của bà Hợi?
Mỹ
Thanh – Hoàng Tuyết
Báo Công An, số:
1522, Thứ năm 1-3-2007
GIẢNG
TRẠCH Ý NGHĨA ĐẠO ĐỨC TỪNG ĐOẠN
Đoạn 1- “Ngày giáp Tết, đứng trước bàn thờ tạm bợ của
người chồng, bà Nguyễn Thị Hợi (75 tuổi) không giấu được những giọt nước mắt
nghẹn ngào chua xót. Bởi lẽ đứa con trai mà bà hết lòng thương yêu tin tưởng đã
nhẫn tâm với bà: “Tôi chết lặng khi nó làm đơn trục xuất tôi và em nó ra khỏi
nhà.” Bà thì thào qua dòng nước mắt tuôn trào!”
Đoạn
này nói lên Thiếu
đức ly tham hiếu thảo thân hành.
Câu chuyện trên đây là một sự thật
mà báo chí đã đăng tin tức này. Trong xã hội hiện nay những chuyện bất hiếu này
thường xảy ra như ăn cơm bữa. Đúng vậy, lòng tham của con người không đáy, nó
biến con người trở thành vô đạo đức, quên cả công ơn sinh thành dưỡng dục của
mẹ cha. Vì lòng tham nhà cửa, đất đai, của cải, tài sản mà đành lòng đuổi mẹ ra
khỏi nhà, thật là bất hiếu. Nỗi đau của người mẹ bị con trai mình trục xuất ra
khỏi nhà thì không có nỗi đau nào hơn. Phải không quý vị?
Đây, các tu sinh đọc qua câu chuyện
này mới thấy rõ lòng tham của con người thật là ghê gớm, khi lòng tham ngự trị
trong tâm hồn của họ thì họ quên hết ơn nghĩa. Dù là công ơn sinh thành mang
nặng đẻ đau, nuôi dạy con lớn khôn như trời như biển. “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”,
thế mà họ đâu còn nhớ gì, khi lòng tham ngự trị trong lòng thì họ đều quên hết.
Câu chuyện trên đây là một bằng chứng cụ thể để thấy lòng tham của con người
ghê gớm thật và xã hội chúng ta đạo đức đang xuống cấp trầm trọng. Nhìn thấy
cảnh này chúng ta là những người con của Phật thì phải theo lời dạy của Người:
Lúc nào, hay giờ nào chúng ta đều sống với đức ly tham. Đức ly tham sẽ giúp
chúng ta có một tâm hồn biết buông xả không đắm mê vật chất của cải tài sản, vì
càng lắm nhiều của cải tài sản thì càng lắm nhiều gian nan và nhiều tai họa khổ
đau sẽ đến với chúng ta.
Đức ly tham là một đức hạnh tuyệt
vời. Chúng ta nên xem xét lại đời sống
của Đức Phật ngày xưa, ai cũng biết Đức Phật là con trai độc nhất của vua Tịnh
Phạn và sắp sửa thay vua cha lên ngôi báu. Trong khi vua cha tìm mọi cách để giữ
Ngài, nhưng Ngài không màng danh lợi, buông bỏ như buông bỏ một chiếc giày
rách. Khi đi tu, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con xinh Ngài đều buông xuống cả.
Cuộc sống của Ngài lúc bấy giờ chỉ còn ba y một bát, chân trần, hằng ngày đi
xin cơm của mọi người, mọi nhà, nhưng tâm hồn Ngài phóng khoáng như hư không,
trắng bạch như vỏ ốc, sống không nhà cửa, không gia đình, lấy trời làm màn, lấy
gốc cây làm gối, lấy trăng sao làm đèn, lấy gió làm quạt v.v… cuộc đời của Ngài
đâu còn gì nữa, đói thì đi xin ăn, đi xin không có thì ngồi thiền, bệnh đau thì
dùng pháp mà đối trị.
Cuộc
đời Ngài sống thanh thản, an lạc và vô sự. Cuộc đời của Ngài danh lợi tiền bạc,
ngôi báu, vợ đẹp con xinh không còn trói buộc Ngài được nữa. Còn người đời tâm
tham lam ngút ngàn, muốn ngồi không mà có tiền của, vì thế làm mọi cách gian
tham xảo huyệt để thu góp cho nhiều tiền tài vật chất, có người lại trực tiếp
đi ăn trộm, ăn cắp hoặc cướp giựt của người khác để thọ hưởng; bệnh đau thì rên
la, kêu khóc, đi bác sĩ, nằm nhà thương, đi bệnh viện Đông, Tây y, thuốc thang
uống, chích, châm cứu v.v... Còn Đức Phật thì tự tại thung dung, đói no chẳng
sợ, bệnh tật không làm dao động được tâm Ngài.
Một hôm Ngài đi khất thực có một bác
nông dân đang cày dưới ruộng chạy đến bên Ngài và nhìn vào trong bát rồi bảo
rằng: Ngài đi xin không có ai cho Ngài đâu? Ngài hãy trở về cày ruộng như chúng
tôi thì cơm ăn áo mặc đầy đủ. Đức Phật im lặng không nói một lời nào và tiếp
tục ôm bát đi xin. Đến khi trở về người nông dân lúc nãy cũng chạy đến bên Phật
lật nắp bát ra xem chỉ là một chiếc bát không, người nông dân nói: “Ngài thấy
chưa? Tôi đã bảo cày ruộng như tôi thì cơm ăn áo mặc đầy đủ, không phải yên tâm
sao? Còn bây giờ Ngài đi xin không ai cho phải chịu đói khát khổ sở vô cùng.”
Đức Phật từ tốn trả lời: “Ngươi tưởng Ta cần những thức ăn này lắm
sao? Nếu đói Ta chỉ ngồi thiền thì làm sao còn đói được nữa, Thiền duyệt vi thực pháp hỷ sung mãn kia mà.
Ta vì chúng sinh quá đau khổ mà đi khất thực để gieo duyên hoá độ, chứ không vì
chúng sinh thì Ta đã nhập Niết Bàn từ lâu rồi. Cuộc đời này có còn những gì cám
dỗ được ta đâu?” Nghe xong người nông dân quỳ xuống dưới chân Đức Phật xin
sám hối những tội lỗi của mình vì vô minh đã nói ra những lời khinh mạn và cũng
xin Đức Phật cho làm đệ tử cư sĩ tại gia, quyết tâm giữ gìn năm giới.
Còn bệnh đau thì sao? Chúng ta hãy
nghe Đức Phật dùng pháp trị bệnh. Một hôm trên đường đến nơi để nhập Niết Bàn,
Đức Phật nay đã già yếu, 80 tuổi rồi, nên một cơn bạo bệnh ập đến, Đức Phật
phải trụ lại giữa đường để đối trị cơn bệnh ngặt nghèo đau buốt cả cơ thể. Ngài
ngồi kiết già lưng thẳng nhiếp tâm an trú tỉnh thức trong hơi thở ra vô và tác
ý đẩy lui bệnh, nhờ đó cơn đau không còn tấn công Ngài được nữa, Ngài bình phục
và tiếp tục đi đến nơi nhập Niết Bàn. Xin quý vị vui lòng hãy đọc lại kinh Niết
Bàn trong kinh Trường Bộ tập I thì rõ. Đấy, quý vị có thấy cuộc đời tu hành của
Đức Phật đã thoát ra bốn cái khổ mà người thế gian không thể làm được không?
1-
Làm chủ được đời sống ăn uống
2-
Làm chủ được bệnh đau
3-
Già yếu nhưng còn mạnh khỏe đi bộ vững vàng.
4- Làm chủ sự sống chết.
Đó chính là nhờ Ngài sống với đức ly
tham. Do đức ly tham nên Ngài bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh như bỏ
những đồ phế thải.
Đoạn 2- “Năm 1954 ông Nguyễn Văn Thành kết hôn với bà Nguyễn Thị Hợi. Trong quá
trình chung sống, họ đã có với nhau bảy người con. Theo lời bà Hợi, để có tiền
chi tiêu trong gia đình, ông Thành đã mở cơ sở giày dép tại 597 H lô T Đoàn Văn
Bơ, Quận 4, sau đó chuyển về địa chỉ 98/55 Đoàn Văn Bơ. Các con của ông Thành một
số làm công ăn lương tại cơ sở, một số đi làm ở ngoài. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà,
con trai thứ là người có công nhiều nhất cho cơ sở giày dép. Năm 1985, ông Hà
trúng số được một lượng vàng cũng tích góp vào xưởng để kinh doanh. Năm 1998,
ông Thành qua đời, ông Hà tiếp quản cơ sở giày dép và làm thủ tục chuyển tên
đăng ký kinh doanh cho mình. Vào năm 1999, sau khi ông Thành mất, bà Hợi đã đưa
một số tiền lớn mà gia đình làm lụng vất vả nhiều năm cho ông Hà để xây căn nhà
số 73/8c. Đường Lâm Văn Bền, Quận 7, rồi ông Hà tiếp tục dùng tiền thu được từ
hoạt động kinh doanh để mua thêm vài lô đất nữa.”
Đoạn
này nói lên Đức
tinh tấn nhân quả.
Trong cuộc đời này sống lương thiện
không gian tham, không xảo quyệt, lừa đảo người, lấy mồ hôi nước mắt và công
sức của mình siêng năng làm ra của cải tài sản, đó cũng là đức ly tham. Làm ra của cải tài sản, dù cho giàu có đến đâu cũng
không tham đắm và dính mắc những vật chất, đó là đức ly tham. Cả gia đình con
cái của ông bà Thành đều lo tích lũy làm ăn chơn chất, cơ sở vật chất càng đi
lên, của cải tài sản đất đai càng nhiều thì tâm tham cũng càng lớn theo, do đó
mới có những sự tranh chấp xảy ra, mới có sự kiện tụng. Nếu trong giai đoạn này
cả gia đình ông bà Thành đều được học đạo
đức ly tham thì tài sản gia đình ngày càng đi lên với sự siêng năng cần mẫn
làm ăn lương thiện thì đâu có việc gì xảy ra. Phải không quý vị?
Đồng tiền và của cải tài sản làm mờ
mắt, khơi dậy lòng tham chiếm hữu của riêng mình cho nên nó đã giết chết đạo
đức hiếu thảo làm người. Ông Hà cũng chỉ là một con người như bao nhiêu con
người khác, biết chí thú làm ăn để làm giàu, nhưng chính vì tham nhà cửa, đất
đai, vật chất, nên công ơn sinh thành của cha mẹ đã quên mất, tình nghĩa anh em
ruột thịt như nước lã người dưng, chỉ muốn làm sao bứng những người này ra khỏi
nhà là thượng sách, chỉ để mình nắm trọn quyền sở hữu của riêng mình. Do lòng
tham lam ông Hà đã lén làm giấy tờ cho riêng vợ chồng ông đứng tên, đến khi
giấy tờ nắm chắc trong tay, ông khởi sự trục xuất mẹ và em ra khỏi nhà. Đó quý
vị thấy chưa? Tiền bạc, của cải, tài sản, đất đai sẽ làm mất đạo đức con người,
mất tình mất nghĩa, mất lòng hiếu thảo của con người.
Tóm lại có khả năng làm ra của cải,
tài sản bằng công sức lương thiện của mình để nuôi gia đình vợ con êm ấm; để
nuôi dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu với đầy lòng hiếu thảo; để giúp
cho anh em, chị em có vốn làm ăn không thua kém người khác thì tình nghĩa máu
thịt càng sâu đậm; để giúp cho mọi người có công ăn việc làm không còn sống
trong cảnh thất nghiệp bữa đói, bữa no và cuối cùng làm những việc từ thiện bố
thí cho những người bất hạnh trong xã hội; cho trẻ em mồ côi; cho những người
già neo đơn không người thân nuôi dưỡng và giúp cho trẻ em khuyết tật, thì đó
là đạo đức ly tham hiếu sinh trong
tình thương yêu rộng lớn và cao thượng.
Cho nên làm giàu có của cải, tài sản
bằng mồ hôi công sức của mình thì không phải là cái tội, mà có tội là do lòng
tham lam cướp công, cướp tiền của của người khác và ích kỷ, bỏn xẻn, keo kiệt
không dám bỏ ra bố thí cho những người nghèo khổ; không dám bỏ ra giúp đỡ cho
những người bất hạnh trong xã hội. Làm ra của cải, tài sản bất lương bằng sự
gian xảo lừa đảo người khác, bằng sự cướp của, cướp công người khác, bằng sự ăn
lo hối lộ rồi chỉ bo bo để phục vụ cá nhân, cho bản thân mình, cho vợ con mình
thì đó là người tích lũy tâm tham đắm của cải tài sản, đánh mất đời sống đức ly tham hiếu sinh. Người đã đánh
mất đức ly tham là đánh mất tính người, chỉ còn là bản chất tham ăn của loài
động vật.
Đoạn 3- “Ông Hà lặng lẽ đứng tên những lô đất và quyền sở hữu nhà rồi lật ngược
thế cờ, đuổi cả mẹ và đứa em trai ra khỏi nhà…”
Đoạn
này nói lên Thiếu
đức ly tham hiếu sinh ý hành.
Hành động ông Hà lặng lẽ đứng tên
những lô đất và quyền sở hữu nhà cửa rồi lật ngược thế cờ, đuổi cả mẹ và đứa em
trai ra khỏi nhà. Đó là một hành động tham lam vô bờ bến, xấu xa đáng lên án,
đáng trách. Mẹ là người sinh thành dưỡng dục nuôi mình lớn khôn mà lại già yếu
rồi, sống còn bao lâu nữa thế mà lòng tham ghê gớm thật! Xem cha mẹ chẳng ra
gì. Anh em dù cùng một cha mẹ, cùng một dòng máu, dù một nơi sinh ra thì còn có
nghĩa lý gì đối với những người lòng tham che khuất như ông Hà, ông chỉ còn
biết tiền! Tiền!!! Mà thôi. Người tham lam là người đánh mất nhân tính, đánh
mất đạo đức hiếu sinh, đánh mất đạo đức ly tham, họ là những người đang ở trong
các ác pháp, đang làm những điều ác và chịu nhiều quả đau khổ, chứ không phải
những người tham lam là những người sống đầy đủ an vui và hạnh phúc. Không, họ
rất khổ đau, mệt nhọc, là vì những người này đầu óc toan tính bằng cách này,
bằng cách khác để chiếm đoạt tài sản của cải, tiền bạc cho nhiều, nhiều chừng
nào tốt chừng nấy, nhưng tiền bạc của cải biết bao nhiêu cho đầy túi tham không
đáy của họ.
Lặng lẽ âm thầm đứng tên những giấy
tờ các lô đất và những giấy tờ quyền sở hữu nhà cửa. Đó là những hành động tham
lam mà người con trai của bà Hợi đã có tính toán trước. Khi có giấy tờ chứng cớ
đất đai nhà cửa của riêng mình thì tạo cảnh gây gổ bất hòa xảy ra trong nhà,
cuối cùng mới có cách thức trục xuất người mẹ và người em của mình ra khỏi nhà
mới được. Và như vậy tài sản nắm trọn trong tay không còn ai dám đòi chia chác
với nhau nữa. Đấy quý vị thấy lòng tham ghê gớm thật, có mưu mô, có tính toán
kỹ lưỡng.
Nhưng lòng tham lam có phải chính là
mình không? Của cải tài sản tất cả vật chất có cái gì của mình đâu? Càng có
nhiều của cải, tài sản thì càng nhiều khổ đau. Đến khi chết có người nào mang
theo được những vật gì không? Hay chỉ còn là một nắm xương vùi sâu trong lòng
đất lạnh. Trên nấm mộ chỉ còn một nắm cỏ khâu xanh rì nơi nghĩa địa hoang lạnh.
Dù cho giàu sang như vua chúa nhưng khi chết rồi cũng chỉ còn có nhân quả thiện
ác theo nghiệp mà đi tái sinh, chứ còn có linh hồn đâu. Như ông Hà tích lũy của
cải tài sản cho thật nhiều, rồi đây con cái sẽ phá sạch, nếu không thì thiên
tai hỏa hoạn, bão tố cũng không chừa. Đến khi chết rồi ông chỉ còn một nắm tro
tàn khi mọi người đem thiêu xác, nhưng đời ông sẽ để lại tiếng xấu muôn đời
không thể xóa được: “Cướp giựt nhà cửa
đất đai, đuổi mẹ và em ra khỏi nhà.” Báo chí đăng tin tức như vậy thì còn
mặt mũi nào nhìn thiên hạ; thì còn mặt mũi nào nhìn lại bản thân mình là một
con người chứ đâu phải là con thú vật, vì của cải nhà cửa đất đai mà đuổi mẹ
xua em. Thật đáng thương!
Chúng ta là những người theo Phật
giáo tu học đạo đức làm người, vì thế chúng ta không thể nào bỏ qua đạo đức ly tham từ bỏ lấy của không
cho. Đạo đức ly tham là một đức hạnh cần phải học tập và rèn luyện để xứng đáng
làm người, chúng ta cần phải trui luyện để trở thành con người không còn gian
tham, trộm cắp lấy của không cho. Trên đời này chỉ có những người theo Phật
giáo mới có tu học và sống với đức ly tham. Lòng tham của con người có rất
nhiều loại, mà loại nào cũng rất độc đáo thường đem lại cho con người nhiều
điều khổ đau.
Ở đây chúng ta chỉ nói đến đức ly
tham để xả bỏ lòng tham của cải tài sản vật chất đất đai nhà cửa, chứ chúng ta
chưa nói đến những lòng tham khác nhau như: Tham ăn, tham ngủ, tham danh, tham
lợi, tham nói chuyện, tham mắng chửi người, tham nói xấu người, tham tranh luận
hơn thua, tham sắc dục, tham đua đòi, tham làm dáng làm đẹp, tham nói những lời
hung dữ, tham cái gì của mình cũng có, cũng hơn cả mọi người, tham đi chơi du
hí, tham cờ bạc, rượu chè, tham hút chích, tham cá cược đua ngựa, đua xe, tham
ăn ngon mặc đẹp, tham chỗ ở cho tiện nghi, tham nhà cửa cao sang hơn của mọi
người v.v… Ở đây lòng tham nhiều lắm kể sao cho hết. Phải không quý vị?
Tóm lại người đời vì vô minh không
thấy tất cả các pháp vô thường, nên lầm chấp của cải tài sản tiền bạc nhiều là
hạnh phúc, sự thật nó là tai họa, nó là rắn độc thường mang mọi sự khổ đau,
phiền não cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh. Cho nên Đức Phật dạy:
“Chúng ta cần phải sống xa lìa lòng tham lam, từ bỏ lòng tham lam, từ bỏ lấy
của không cho. Đó là đạo đức ly tham thứ hai trong Năm Giới của Phật giáo. Xin
quý phật tử hãy lưu ý để tránh xa những loài rắn độc này. Một khi chúng ta đã
thấm nọc độc của loại rắn này thì con người chúng ta trở nên hẹp hòi, ích kỷ,
bỏn xẻn v.v… mất hết nhân tính.
ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH
Theo GIỌT NẮNG CHƠN NHƯ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét