Trên
trang mạng Phật giáo có khá đông độc giả, một tác giả (MT) đã giới thiệu bài viết bày
tỏ mối lo toan về sự mất còn của thiền Phật giáo. Sự lo toan xem ra sốt sắng,
ấy mà lo thì lo chứ họ có biết Thiền của Phật giáo là gì đâu! Xin trích một
đoạn để quý độc giả cùng suy ngẫm:
“…mới đây, khi đọc đến mục “Thiền” trong Từ điển Tâm lý học,
biên soạn Viện Tâm lý học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, GS. TS Vũ Dũng
chủ biên (nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội xuất bản, 2008) thì quả là
đáng quan tâm.
Đây là hiện tượng đã có những nhà khoa học Việt Nam bị đầu độc
bởi luận điệu cướp đoạt thiền Phật giáo. Chúng tôi xin dẫn lại dưới đây nội dung định nghĩa “Thiền” của
quyển từ điển nói trên, để bạn đọc tham khảo về nguy cơ đã trở thành hiện thực
tiêu cực trong thực tế.
Định nghĩa thiền nhưng các tác giả quyển từ điển (gồm đến 30 nhà
tâm lý học ở các trường, viện, bệnh viện, cơ sở thực nghiệm tâm lý) đã không
nhắc gì đến Phật giáo cả mà lại nhắc tới… “Chúa trời”.
Việc dẫn lại ở đây xin coi là việc báo động hiện tượng Phật giáo
bị ăn cướp giá trị của mình.
“THIỀN
Sự phong tỏa mạnh mẽ vào vật thể bằng trí tuệ, bằng ý tưởng,
diễn ra bên trong suy tưởng, có thể đạt được bằng cách tập trung tối đa vào một
khách thể và loại trừ mọi yếu tố gây xao nhãng sự chú ý, cả các yếu tố bên
ngoài (tiếng ồn, ánh sáng) và các yếu tố bên trong (các căng thẳng về thể lực,
cảm xúc và những căng thẳng khác).
Thiền là một hình thức luyện tập tâm lý, đã ứng dụng những hình
thức khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa – lịch sử. Thiền được ứng dụng
nhiều ở các nước phương Đông như: Ấn Độ, Trung Quốc và các nước có nền văn hóa
tương đồng khác ở khu vực này. Kiểu thiền của phương Đông (bao gồm tất cả các
hình thức Yoga của Ấn Độ, Đạo giáo ở Trung Quốc) có giả định rằng sự hòa tan
mang tính tôn giáo thần bí của ý thức cá nhân trong cái tuyệt đối vô bản ngã, tương tự như đại dương-tình huống được
thực hiện bằng hình ảnh của con bươm bướm đã bị ánh lửa của ngọn nến thiêu cháy
hoặc con búp bê muối bị hòa tan trong nước biển. Một khuynh hướng tôn giáo thần
bí khác của thiền, được sùng bái bởi Ki tô giáo, đã lý giải thiền như sự dung hợp
của 2 nhân cách: con người và Chúa Trời….”
Dưới đây, vài ý kiến ngắn xin chia sẻ
cùng tác giả bài viết “Một kết quả…”
và quý độc giả. Chúng ta cùng nhau chung sức để bảo vệ, phát triển Chánh pháp của
đức Thích Ca. Đó là nền đạo đức nhân bản – nhân quả hết sức khoa học và công bằng,
đó là hạnh phúc của muôn loài đang cùng chung sống trên hành tinh nhỏ bé, mong
manh. Ai là người đã lưu tâm?
I.
Mục đích cứu cánh của đạo Phật:
1- Đạo Phật nguyên thủy do đức
Thích Ca hoằng dương với mục đích cứu cánh là “Tâm bất động, thanh thản, an lạc,
vô sự”. Đó cũng chính là tâm vô lậu của hành giả đã làm chủ được bốn sự
khổ đau của kiếp người, vượt qua vòng sanh tử, chấm dứt tái sanh luân hồi, đó
là Niết Bàn tại thế.
2- Đạo Phật phát triển: Với các Tông
phái phi đạo Phật, tuy rằng cũng quảng bá rằng đi tới mục tiêu cứu cánh của đạo
Phật. Nhưng những cứu cánh ấy ra sao?
- Đối với Thiền Tông, mục đích cứu cánh
đạt được là: Phật Tánh, Bản Lai Diện Mục Hiện Tiền, Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh
Biết, Tâm không Niệm Thiện Niệm Ác, Niết Bàn…
- Đối với Tịnh Độ Tông, mục đích cứu
cánh là đạt tới cảnh giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà phóng hào quang
tiếp dẫn, là để biết ngày vãng sanh, là Niết Bàn…
- Đối với Mật Tông thì mục đích cứu cánh
là đạt được các thần thông siêu việt để người đời thích thú ca tụng, là biết được
nơi mình về (tái sanh) sau khi chết để được mãi mãi mọi người chiêm bái kính
ngưỡng. Ví dụ điển hình như ngài Dalai Lama 14 hiện nay, đã liên tiếp truyền thừa
từ nhiều thế kỷ qua.
- Đối với Thiền Minh Sát, mục đích đạt
được là sát tuệ 16 Minh với 7 giai đoạn thanh tịnh, nhưng các vị vẫn ăn thịt
chúng sanh như ăn rau. (Đạo Phật Nguyên Thủy chỉ đạt tối thắng là Tuệ Ba
Minh).
Mới đây ngài Duy Tuệ cho ra lò loại Thiền
Minh Triết thực sự phủ nhận (không cần) Bát Chánh Đạo và đặt ra vấn đề người phật
tử không cần tu nhưng vẫn có thể tự nhiên rơi vào trạng thái “Thành Phật”. Như
vậy thì ta miễn bàn Thiền Minh Triết.
II.
Phương pháp tu tập theo đạo Phật:
1- Đạo Phật Nguyên Thủy dạy bốn chúng Phật
tử tu hành dựa trên tinh thần Tự Lực của mỗi cá nhân, “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Tu tập bằng phương pháp xả ly tâm tham, sân, si tức là dứt sạch hết những trạng
thái khổ đau của con người. Đó là PHÁP TU XẢ TÂM.
2-
Với các Tông phái khác thì hầu hết
là nương tựa vào tha lực, cầu xin, cúng bái, thành kính để được ban phước. Hoặc
tu tập thì cố gắng ức chế tâm cho Ý thức mất, Tưởng thức hoạt động để thấy mình
siêu phàm nhưng Tham, Sân, Si vẫn còn đủ.
Đó là PHÁP TU ỨC CHẾ TÂM.
III-
Con đường tu tập của đạo Phật:
1- Đạo Phật Nguyên Thủy tu tập trên cơ sở
của Bốn Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Tám Chánh Đạo và Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
do đức Thích Ca hoằng dương còn nguyên vẹn và đầy đủ trong tạng kinh Nikaya –
ĐTKVN.
Lộ trình cơ bản là con đường Thánh Đạo
Tám Ngành hay còn gọi là Giới – Định – Tuệ. Hành giả tu hành phải đi đúng lộ
trình từ Giới đến Định và cuối cùng thành mãn Tuệ Ba Minh (Giải thoát). Trong
đó Giới tức là Giới Luật, tức Đạo Đức Phật giáo là phần căn bản vô cùng quan trọng
để xem biết hành giả có thể thành đạt sự tu hành được hay không.
2- Đạo Phật phát triển với các tông phái
như Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Thiền Minh Sát tuy cũng có chút ít gọi là
nương theo Tám Chánh Đạo nhưng tâm đời chưa buông bỏ được nên vẽ ra đủ thứ pháp
môn, rất nhiều pháp môn (84 ngàn pháp môn) để dối trá, lừa mị người cầu danh, cầu
lợi.
Lộ trình cơ bản của các Tông này thường
không đi theo con đường Phật dạy, họ không cần quan tâm đến Giới Luật. Mới vào
tu là tu Thiền, tu Định để mong khởi Tuệ, khởi Tuệ là thành mãn Giới luật. Họ
đã nhầm. Ai biết Tuệ đó là Tưởng Tuệ chỉ để múa lưỡi khua môi lừa người ít biết.
Giới luật của họ thì ai cũng rõ: “Sống ung dung tự tại trong chùa to Phật lớn,
quang cảnh đẹp. Thư thái hồn nhiên “đói ăn, khát uống, mệt đi nằm…”
Do vậy tu sĩ các Tông phái này tu tập
không có ai đạt được oai nghi chánh hạnh của người phật tử bình dân, nói chi đến
oai nghi đạo đức của một bậc Thánh. Họ vẫn mãi nối tiếp con đường đau khổ
trong bể trầm luân không sao giải thoát
được.
IV-
Thành quả tu tập của đạo Phật:
1- Đạo Phật Nguyên Thủy nếu tu tập đúng
lộ trình và phương pháp Phật dạy thì mục đích cứu cánh đạt được ngay liền khi mới
bắt đầu khởi tu. Vì thế Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy…”.
Công phu thành mãn là hành giả đạt được
Bảy Năng Lực Giác Chi, Bốn Thần Túc với Mười Lực Như Lai. Khi ấy hành giả thể
nhập Bốn Thánh Định dễ như trở bàn tay, như lấy đồ trong túi. Và quả vị đạt được
là Phật, A La Hán, Thiên Nhân Sư… đầy đủ mười hai danh xưng mà đức Phật đã
tuyên. (Hay nói dễ hiểu hơn, hành giả đạt được “Tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, làm chủ được Sanh, Lão, Bệnh,
Tử và chấm dứt tái sanh luân hồi”).
2- Đạo Phật phát triển với các tông phái
phi Phật pháp thì họ luôn tự an ủi mình hãy cố gắng, phải tu tập đến vô lượng
kiếp. Hoặc cố gắng hơn, họ tự phong minh là Bồ Tát để hành Bồ Tát hạnh mong
thành Phật trong tương lai mù tịt ở rất xa. Họ chẳng hiểu Bồ Tát chỉ là một người
còn đang tu tập, vậy mà vội vã đi giảng đạo dạy người hành Bồ Tát đạo.
Thế cho nên quả vị của các ngài đạt được
chỉ là Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng giảng sư, nói Thiền nói Đạo thì như gió
thổi mưa tuôn, nhưng mục đích cứu cánh Phật dạy thì chẳng ai đạt được gì. Họ vẫn
bệnh đau đi bệnh viện, đi bác sĩ chữa trị chứ hoàn toàn không làm chủ được chút
nào. Bệnh chưa làm chủ được thì làm sao làm chủ được Chết, làm chủ được Già,
làm chủ được Sanh? Cho nên quả vị của họ chỉ là quả “0” thật to để lại muôn đời
sau.
Thưa
quý vị Phật tử,
Qua 4 mục so sánh dẫn trên, quý vị sẽ chọn
nẻo nào?, về với đạo Phật Nguyên Sơ?, hay chạy theo hai dòng Phật giáo phát triển Bắc tông và Nam tông?
Đức Phật đã từng dạy: “Được
thân người là khó, được (gặp) nghe Chánh Pháp còn khó hơn”. Thế mà quý
vị chẳng tin. Lời Phật dạy với lòng Từ Bi vô lượng vô biên, không khi nào Ngài
nói dối một điều gì. Vậy tại sao chúng ta không tin Ngài mà lại còn có biết bao
nhiêu điều nghi hoặc dẫn đến phỉ báng, chê bai giáo lý của Ngài?
Đức Phật Niết bàn đã hơn hai mươi lăm thế
kỷ, giáo pháp Ngài dạy đã bị phủ dày bởi bao lớp tà kiến của những người học
nhiều tu ít, tâm còn nặng danh lợi với đời nên luôn tìm mọi cách để thỏa mãn
lòng dục của mình. Họ đâu biết rằng càng thỏa mãn dục bao nhiêu thì càng chất
chứa khổ đau thêm bấy nhiêu.
Làm thế nào để Tu Hành Giải Thoát?
Pháp nào là Chân Thật của đức Phật để tu?
Nếu đây là những câu hỏi nghiêm túc và
thành tâm của người muốn trớ về với pháp Phật chân chánh thì câu trả lời không
khó khăn gì. Tất cả đường đi, lối bước đã được cố Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng
dạy đầy đủ và cặn kẽ. Hãy cố gắng vứt bỏ những kiến chấp lỗi thời, những sở tri
tà kiến ôm ấp suốt mấy ngàn năm, nay đến lúc bỏ được rồi, như thế còn lo gì ai cướp mất Thiền
Phật giáo.
Để rõ ràng thêm về Thiền của đạo Phật, xin
nhắc lại mấy lời đức Bổn Sư đã dạy: “Người tu sĩ đạo Phật cạo bỏ râu tóc, đáp áo cà sa, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình, không nhà cửa, một bát ba y, ngày xin ăn một bữa…
tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không…”. Đó chính là Thiền
của đạo Phật, thiền của đạo Phật vô cùng vô tận, bao nhiêu người đến lấy cũng chưa
hết, mà chẳng có ai đến lấy cũng không sợ thừa. Lo sợ chi ai cướp mất thiền, thật
là lo uổng!
Đáng lo hơn là làm sao ta Hành Thiền được. Tu sĩ
xưa nay nói Đạo, nói Thiền thì như rồng leo, vượn hót, nhưng Hành Thiền thì dối trá như mèo
“ị”, gà bươi. Trách ai?
Nhật Minh
Theo Giọt nắng chơn như
0 nhận xét :
Đăng nhận xét