TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC
12 NHÂN DUYÊN
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Thập nhị nhân duyên
Thường kiến và đoạn kiến
Duyên Vô Minh sinh
Duyên Vô Minh diệt
Diệt duyên Vô Minh
Diệt duyên Lục nhập
Diệt duyên Cảm Thọ
Diệt duyên Sinh
—Øv×—
LỜI NÓI ĐẦU
Như lời đức Phật dã dạy một vị thầy dạy người tu hành là phải chứng tâm Vô Lậu, nếu tâm chưa Vô Lậu thì không nên dạy người tu tập, nhất là một vị thầy Thuyết Giảng. Theo Phật giáo không thông suốt 12 nhân duyên thì không xứng đáng làm thầy Thuyết Giảng. Đúng như lời đức Phật đã dạy: “Nếu tỳ kheo Thuyết Pháp về sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh, như vậy là đủ để được là Tỳ kheo Thuyết Pháp”.
Một vị thầy tu theo Phật giáo muốn tu tập tâm Vô Lậu mà không thông suốt 12 nhân duyên thì không thể tu hành tâm Vô Lậu được. Vì thế đức Phật dạy: “Nếu tỳ kheo Thực Hành về sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt, sanh, hữu …vô minh, Như vậy là đủ để được gọi là Tỳ kheo Thực Hành”.
Một vị thầy tu theo Phật giáo muốn tu tập tâm Giải thoát mà không thông suốt 12 nhân duyên thì không thể tu hành tâm Giải thoátđược. Theo như lời đức Phật dạy: “Nếu tỳ kheo Giải Thoát không có chấp thủ mọi yểm ly, ly tham, đoạn diệt, sanh, hữu, thủ …. vô minh. Như vậy đủ được goị là Tỳ kheo đã được, Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại”.
(38 Tương Ưng tập 2).
Những lời dạy trên đây của đức Phật rất quan trọng trong việc tu hành.
Ví dụ chúng ta học giới luật đức hạnh nhằm triển khai tri kiến giải thoát tức là từ duyên Vô Minh chúng ta xong vào bằng tri kiến giải thoát đập phá đẩy lui các chướng ngại pháp. Nếu chúng ta không rõ 12 nhân duyên thì trong 12 cửa này chúng ta không biết mình đang xông vào cửa nào phá vở 12 duyên. Trong khi 12 nhân duyên đang tập hợp duyên khởi những khổ đau liên tục.
Bởi vậy người tu theo Phật giáo cần phải thông suốt 12 nhân duyên này thì sự tu hành mới mong chứng đạo.
Trong đồ trận có 12 cửa nhân duyên tức 12 cửa. Vậy một người muốn xông vào phá tan trận đồ 12 nhân duyên thì phải biết xông vào cửa nào mới phá được và cửa nào không thể phá được. Trong 12 nhân duyên có bốn cửa vào phá được:
1- Cửa Vô Minh
2- Cửa Lục Nhập
3- Cửa Thọ
4- Cửa Sinh
- Vào cửa Vô Minh thì phải học giới luật đức hạnh, triển khai Tri Kiến Giải Thoát
- Vào cửa Lục Nhập thì phải phòng hộ sáu căn, sống Độc Cư
- Vào cửa Thọ thì phải tu tập Định Niệm Hơi Thở tu tập 19 đề mục.
- Vào cửa Sinh thì phải xụất gia, buông xả hết chỉ còn sống ba y một bát Thiểu Dục Tri Túc.
Khi tu tập chúng ta nên lưu ý khi vào cửa này xong thì lại tấn công cửa khác, nhiều khi phải tấn công luôn cả bốn cửa một lượt.
Đây là những điều cần hiểu rõ 12 nhân duyên để khi tu tập biết rõ đang phá vỡ 12 nhân duyên để chúng không còn tập khởi mọi sự đau khổ.
Đến đây chúng tôi cảm thấy tạm đủ để quý vị hiểu biết tu tập 12 nhân duyên mà không sai đường lạc lối. Chúc quý vị tu tập thành công tốt đẹp.
Kính ghi
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
—–ØË×—–
THẬP NHỊ NHƠN DUYÊN
Muốn hiểu rõ 12 nhân duyên, bắt đầu chúng ta tìm hiểu nguyên nhân nào sinh ra ưu bi, sầu khổ, bệnh tử của con người.
Muốn hiểu rõ điều này chúng ta hãy lắng nghe đức Phật trả lời những câu hỏi của tu sĩ ngoại đạo PASSAPA,
“KASSAPA hỏi:
- Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do tự mình làm ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do người khác làm ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do mình, do người khác làm ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ do tự nhiên sanh sinh ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy .
- Thưa Tôn giả GOTAMA, có phải khổ không có không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải khổ không có, khổ có PASSAPA ạ!
- Như vậy, Tôn giả GOTAMA không biết, không thấy khổ.
Đức Phật trả lời:
- Không phải Ta không biết khổ, không thấy khổ, Ta biết khổ, Ta thấy khổ”.
(42 Tương Ưng tập 2)
Thông thường người ta đau khổ là do tự mình làm cho mình đau khổ hoặc do người khác, thế mà ở đây đức Phật không chấp nhận “KHỔ” do mình do người khác làm. Vậy khổ này do cái gì làm ra đây?
Chúng ta hãy bình tĩnh lắng nghe đức Phật sẽ lần lượt chỉ dạy tường tận một thế giới quan tập khởi “KHỔ” của loài người. Nếu không học Phật thì không thể nào biết, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi.
THƯỜNG KIẾN VÀ ĐOẠN KIẾN
Hỏi “KHỔ” chỗ nào đức Phật cũng bảo: “ Không phải vậy”. Vậy như thế nào đây?
PASSAPA không thể chờ lâu hơn nữa, nên liền hỏi Phật:
“- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói cho con hiểu về KHỔ.
- Này PASSAPA, một người tự làm KHỔ mình là “THƯỜNG KIẾN”
- Này PASSAPA một người làm KHỔ người khác là “ĐOẠN KIẾN”. Và tất cả những câu hỏi của nhà Ngươi đều là THƯỜNG KIẾN và ĐOẠN KIẾN”.
(42 Tương Ưng tập 2)
Như vậy còn có cái hiểu biết KHỔ nào khác hơn. Đoạn kinh trên đây đã xác định cho chúng ta thấy sự hiểu biết của con người thường bị rơi vào vào hai CỰC ĐOAN: THƯỜNG KIẾN và ĐOẠN KIẾN. THƯỜNG KIẾN là bị dính mắc vào chấp CÓ; ĐOẠN KIẾN thường bị dính mắc vào chấp KHÔNG.
Vì vậy, trên đời này, nếu cái này CÓ thì cái này không thể KHÔNG, nếu cái kia KHÔNG thì không thể cái kia CÓ. Cho nên không có một vật vừa CÓ, vừa KHÔNG được. CÓ là CÓ, mà KHÔNG là KHÔNG. Đó là cái hiểu biết của con người thế gian, cái hiểu biết của họ không vượt ra khỏi hai CỰC ĐOAN này. Vì cái hiểu biết như vậy nên con người phải chịu khổ muôn đời, muôn kiếp. Thật đáng thương.
Bởi vậy, sự hiểu biết của con người rất quan trọng, do sự hiểu biết mà đời đời, kiếp kiếp phải chịu trong đau khổ. Cái hiểu biết của loài người hiện nay là cái hiểu biết theo truyền thống từ ngàn xưa do thủy tổ của loài người để lại chỉ biết hiểu như vậy. Mãi đến khi đức Phật ra đời, Ngài tu hành chứng quả Vô Lậu thấy biết vạn pháp trên thế gian này như thật nên Ngài dõng dạc tuyên bố: “Còn có cái hiểu biết khác, cái hiểu biết không nằm trong hai cực đoan CÓ và KHÔNG, cái hiểu biết vượt ra ngoài vòng khổ đau. Đó là cái hiểu biết THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN.
Như chúng ta đã biết tất cả những câu hỏi của PASSAPA đều nằm trong hai cực đoan “CÓ và KHÔNG”. Vì thế đức Phật trả lời: “Không phải vậy” . Đó là đức Phật trả lời đúng, vì con người điên đảo nên không thấy 12 nhân duyên tập khởi KHỔ mà cho rằng MÌNH TỰ LÀM VÀ NGƯỜI KHÁC LÀM KHỔ.
DUYÊN VÔ MINH SINH
Chúng tôi xin lập lại câu trên, khi nghe đức Phật trả lời không phải vậy. Lúc bấy giờ ngoại đạo PASSAPA lấy làm ngạc nhiên nên mới thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy, đức Phật bảo: “Từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường TRUNG ĐẠO”. (42 Tương Ưng tập 2) Vậy con đường TRUNG ĐẠO như thế nào?
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật giảng dạy để tri kiến chúng ta có sự hiểu biết không còn bị rơi vào hai cực đoan CÓ và KHÔNG. Chính nhờ sự hiểu biết mới mẻ này có thể giúp chúng ta thoát mọi sự khổ đau. Vậy quý vị cùng chúng tôi hãy chú ý lời đức Phật dạy:
“- Này PASSAPA, “Con đường TRUNG ĐẠO là con đường vượt ra khỏi hai cực đoan, gồm có 12 nhân duyên:
1- Do duyên VÔ MINH khởi nên duyên HÀNH khởi.
2- Do duyên HÀNH khởi nên duyên THỨC khởi.
3- Do duyên THỨC khởi nên duyên DANH SẮCkhởi.
4- Do duyên DANH SẮC khởi nên duyên LỤC NHẬP khởi.
5- Do duyên LỤC NHẬP khởi nên duyên XÚC khởi.
6- Do duyên XÚC khởi nên duyên THO khởi.
7- Do duyên THỌ khởi nên duyên ÁI khởi.
8- Do duyên ÁI khởi nên duyên HỮU khởi.
9- Do duyên HỮU khởi nên duyên THU khởi.
10- Do duyên THỦ khởi nên duyên ƯU BI, SẦU KHỔ khởi.
11- Do duyên ƯU BI, SẦU KHỔ khởi nên duyên BỆNH TỬ khởo.
12- Đo duyên BỆNH TỬ khởi nên duyên VÔ MINH khởi.
(42 Tương Ưng tập 2)
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này theo 12 duyên tập khởi…”. Do từ duyên VÔ MINH mà 12 nhân duyên này mới tập khởi được”. Và vì vậy SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT mới có. Chính SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT là nguồn gốc do duyên VÔ MINH, chứ không phải tự mình hoặc người khác làm ra SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT. Bây giờ quý vị đã hiểu rõ chưa?
Có hiểu như vậy mới biết qui luật nhân quả theo 12 nhân duyên này mà qui định phước hay tội của lòai người không sai một hào li nào cả. Vì vậy nhân nào quả nấy, làm ác thì phải chịu khổ đau chứ không có mình và người khác làm khổ mà nhân quả.
DUYÊN VÔ MINH DIỆT
Muốn sinh, già, bệnh, chết chấm dứt thì phải đoạn diệt hoàn toàn VÔ MINH. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:
“1- Do VÔ MINH diệt các HÀNH diệt.
2- Do các HÀNH diệt nên THỨC diệt
3- Do THỨC diệt DANH SẮC diệt
4- Do DANH SẮC diệt LỤC NHẬP diệt
5- Do LỤC NHẬP diệt XÚC diệt
6- Do XÚC diệt THỌ diệt
7- Do THỌ diệt ÁI diệt
8- Do ÁI diệt HỮU diệt
9- Do HỮU diệt THỦ diệt
10- Do THỦ diệt SINH diệt
11- Do SINH diệt ƯU BI, SẦU KHỔ BỆNH TỬ diệt
12- Do ƯU BI, SẦU KHỔ, BỆNH TỬ diệt VÔ MINH diệt
Như vậy toàn bộ khổ uẩn 12 nhân duyên này đoạn diệt. Thì tất cả các khổ của con người đều bị diệt”.
(42 Tương Ưng tập 2)
Theo như lời đức Phật dạy ở trên người không hiểu 12 nhân duyên là người KHÔNG SÁNG SUỐT (người ngu) nên luôn luôn bị VÔ MINH che đậy, từ đó mới bị THAM ÁI trói buộc. Vì thế thân tâm luôn luôn chạy theo 12 nhân duyên sinh khởi chịu mọi khổ đau sinh, già, bệnh, chết. Và chính không đoạn diệt 12 nhân duyên nên khi thân hoại mạng chung phải tiếp tục tái sinh luân hồi và chịu muôn vàn sự khổ đau không bao giờ dứt. Trong Kinh Tương Ưng đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ kheo, các thầy bị VÔ MINH che đậy nên mới bị THAM ÁI hệ phược, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì sao?
Này các tỳ kheo, người ngu sống Phạm hạnh không phải vì chân chính đoạn trừ khổ đau. Do vậy người ngu, khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác, Do đi đến một thân khác, người ấy không thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, Ta nói rằng: “Người ấy không thoát khỏi đau khổ”.
(50 Tương Ưng tập 2)
Một người Hiền trí thông suốt 12 nhân duyên, nên họ biết 12 nhân duyên này đều là một chuỗi vòng tròn không có lối thoát ra chỉ có đoạn trừ VÔ MINH, nhưng khi đoạn trừ VÔ MINH nên tâm trí sáng suốt vô cùng, nhờ tâm trí sáng suốt nên họ chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh để tận trừ 12 nhân duyên nên mới thoát ra khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, sầu khổ……
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Và này các tỳ kheo, bị VÔ MINH che đậy, nên mới bị THAM ÁI hệ phược, thân người Hiền trí được sinh khởi. VÔ MINH ấy, người Hiền trí đoạn tận. THAM ÁI ấy, người Hiền trí tận trừ. Vì sao?
Này các tỳ kheo, người Hiền trí sống Phạm hạnh, vì chân chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung, không đi đến một thân khác (tái sinh). Do không đi tái sinh, vị ấy thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi khổ, ưu, não. Ta nói rằng: “Vị ấy thoát khỏi đau khổ”.
50 Tương Ưng tập 2
vvvv
DIỆT DUYÊN VÔ MINH
Những lời dạy của đức Phật trên đây là chỉ thẳng cho chúng ta hiểu biết 12 nhân duyên theo lý duyên khởi bắt đầu từ VÔ MINH. Do VÔ MINH mà HÀNH khởi do HÀNH khởi mà THỨC khởi…. và như vậy tất cả 12 duyên khởi đầy đủ. Mười hai duyên khởi đầy đủ tức là khổ tập khởi. Do đó, muốn đoạn trừ khổ đau thì phải đoạn trừ VÔ MINH. Muốn đoạn trừ VÔ MINH thì phải triển khai tri kiến. Vậy triển khai tri kiến bằng cách nào?
Phải học GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH, nhờ học giới luật đức hạnh thông suốt nên VÔ MINH bị đoạn trừ. Trên đây là lý duyên khởi VÔ MINH, khi VÔ MINH diệt thì 12 nhân duyên đều bị diệt. Mười hai nhân duyên diệt thì khổ đau diệt.
GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH gồm có:
1- Năm giới (NGŨ GIỚI) căn bản của người cư sĩ
2- Mười giới sa di (THẬP GIỚI SA DI) của người xuất gia.
3- Hai trăm năm mươi giới tỳ kheo tăng (250 GIỚI TỲ KHEO TĂNG) của tu sĩ nam.
4- Ba trăm bốn mươi tám giới tỳ kheo ni (348 GIỚI TỲ KHEO NI) của tu sĩ nữ.
Khi muốn diệt trừ VÔ MINH thì phải thông suốt những oai nghi giới luật đức hạnh trên đây. Cho nên đức Phật dạy: “Những gì thông suốt cần thông suốt”. Điều mà đức Phật dạy ở đây cần thông suốt là thông suốt GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH.
Muốn diệt 12 nhân duyên tập khởi này thì bắt đầu phải diệt duyên VÔ MINH. Diệt trừ duyên VÔ MINH thì chỉ có học tập GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH như trên đã nói. Học tập GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH xong thì VÔ MINH tự diệt trừ.
Chúng ta là những người tu hành cầu giải thoát thì nên nhớ những lời dạy này. Đó là GIỚI LUẬT trong pháp tu hành của Phật giáo từ thấp đến cao theo sự phân chia pháp môn tu tập mà đức Phật đã tuyên bố: “GIỚI, ĐINH, TUỆ”
vvvv
DIỆT DUYÊN LỤC NHẬP
LỤC NHẬP là sáu cửa ra vào của thân và sáu trần. Sáu cửa ra vào của thân là: MẮT, TAI, MŨI, MIỆNG, THÂN, Ý và Sáu trần là: SẮC, THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP. Vì thế muốn diệt duyên LỤC NHẬP thì phải biết cách phòng hộ MẮT, TAI, MŨI, MIỆNG, THÂN, Ý và ngăn chặn sáu trần: SẮC, THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP thì trước tiên phải phòng hộ và sau đó mới ngăn chặn. Phòng hộ thì có HẠNH ĐỘC CƯ là đệ nhất pháp, còn ngăn chặn thì có pháp NHƯ LÝ TÁC Ý.
Nhờ hai phương pháp này thì duyên LỤC NHẬP bị diệt.
1- Duyên LỤC NHẬP diệt thì duyên XÚC diệt.
2- Duyên XÚC diệt thì THỌ diệt
3- Duyên Thọ diệt thì duyên Ái diệt.
4- Duyên Ái diệt thì duyên Hữu diệt
5- Duyên Hữu diệt thì duyên Thủ diệt.
6- Duyên Thủ Diệt thì duyên Sinh diệt.
7- Duyên Sinh diệt thì duyên Già, Bệnh, Chết diệt
8- Duyên Già, Bệnh, Chết diệt thì duyên Vô Minh diệt.
9- Duyên Vô Minh diệt thì duyên Hành diệt.
10- Duyên Hành diệt thì duyên Thức diệt
11- Duyên Thức diệt thì duyên Danh Sắc diệt.
12- Duyên Danh Sắc diệt thì duyên Lục Nhập diệt.
Trên đây là bắt đầu diệt Duyên LỤC NHẬP. Duyên LỤC NHẬP diệt thì tất cả 11 nhân duyên khác đều bị diệt theo và như vậy một thế giới đau khổ bị diệt, loài người thoát khổ.
vvvv
DIỆT DUYÊN CẢM THỌ
Muốn thoát ra mọi sự khổ đau của cuộc đời thì phải đoạn trừ DUYÊN THỌ, Đoạn trừ DUYÊN THỌ thì phải tập AN TRÚ TÂM TRONG HƠI THỞ, theo phương pháp Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” Cứ tu đề mục này trong nửa tháng hoặc một tháng để thân an trú được trong hơi thở thì lúc bấy giờ thân có cảm thọ khổ là liền dùng phương pháp này đối trị đẩy lui cảm thọ ra khỏi thân ngay tức khắc. Đó là chúng ta diệt DUYÊN THỌ.
1- Duyên Thọ diệt thì duyên Ái diệt.
2- Duyên Ái diệt thì duyên Hữu diệt
3- Duyên Hữu diệt thì duyên Thủ diệt.
4- Duyên Thủ Diệt thì duyên Sinh diệt.
5- Duyên Sinh diệt thì duyên Già, Bệnh, Chết diệt
6- Duyên Già, Bệnh, Chết diệt thì duyên Vô Minh diệt.
7- Duyên Vô Minh diệt thì duyên Hành diệt.
8- Duyên Hành diệt thì duyên Thức diệt
9- Duyên Thức diệt thì duyên Danh Sắc diệt.
10- Duyên Danh Sắc diệt thì duyên Lục Nhập diệt.
11- Duyên Lục Nhập diệt thì duyên Xúc diệt
12- Duyên Xúc diệt thì duyên Thọ diệt.
Trên đây là bắt đầu Diệt Duyên Cảm Thọ. Duyên Cảm Thọ diệt thì tất cả 11 nhân duyên khác đều bị diệt theo và như vậy một thế giới đau khổ bị diệt, loài người thoát khổ.
vvvv
DIỆT DUYÊN SINH
SINH là đời sống, do có đời sống nên con người phải trăm cay ngàn đắng khổ đau.
Mười hai nhân duyên chúng ta bắt đầu chọn vào DUYÊN SINH để đoạn trừ mọi sự khổ đau.
Ngày xưa đức Phật đã chọn DUYÊN SINH, vì thế Ngài từ bỏ ngai vàng, cha, mẹ. vợ, con và thân bằng, quyến thuộc, chỉ sống ba y một bát đi xin ăn hằng ngày, nhờ diệt duyên SINH này mà Ngài mới đoạn tận mọi sự khổ đau. Vậy thế nào là lý DUYÊN SINH khởi?
1- Do duyên SINH khởi GIÀ CHẾT khởi.
2- Do duyên GIÀ CHẾT khởi duyên VÔ MINH khởi
3- Do duyên VÔ MINH khởi các HÀNH khởi.
4- Do các duyên HÀNH khởi nên THỨC khởi
5- Do duyên THỨC khởi DANH SẮC khởi
6- Do duyên DANH SẮC khởi LỤC NHẬP khởi
7- Do duyên LỤC NHẬP khởi XÚC khởi
8- Do duyên XÚC khởi THỌ khởi
9- Do duyên THỌ khởi ÁI khởi
10- Do duyên ÁI khởi HỮU khởi
11- Do duyên HỮU khởi THỦ khởi
12- Do duyên THỦ khởi SINH khởi
Trên đây là lý DUYÊN SINH khởi, nó tập hợp mọi sự đau khổ của kiếp làm người. Thật khổ thay!
Thế nào là lý DUYÊN SINH PHÁP? Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:“Già chết là pháp hữu vi, là vô thường, duyên sanh biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh. Và tất cả 12 nhân duyên đều là như vậy.
Này các tỳ kheo, vị Thánh đệ tử thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sinh này nên chắc các vị ấy không có những câu hỏi về quá khứ, Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Ta là vì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Trước ta là gì? Và nay trong quá khứ ta là gì?
Về tương lai cũng vậy, không có những câu hỏi, ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta sẽ làm gì trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai? Hay trước trong tương lai ta là gì, và nay trong tương lai ta sẽ là gì?
Hay nay các vị ấy sẻ khởi lên những nghi ngờ về tự mình trong hiện tại như sau: “Ta hiện có mặt? Ta hiện không có mặt? Ta hiện là gì? Ta hiện có mặt như thế nào? Sự kiện như vậy không xảy ra? Vì sao? Vì rằng vị thánh đệ tử, này các tỳ kheo đả khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ, định lý duyên khởi này với các pháp DUYÊN SINH này thì không bao giờ có những câu hỏi ngớ ngẩn như trên, không bao giờ có những câu hỏi điên đảo như trên
( 53 tương ưng tập 2 )
Khi đã hiểu lý DUYÊN KHỞI với các pháp DUYÊN SINH thì chúng ta không còn nghi ngờ đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn mà từ xưa đến nay người ta đã đặt ra những câu hỏi mà không có câu trả lời: “Con người từ đâu sinh ra? Chết đi về đâu?
Câu hỏi được đặt ra với những người thông suốt 12 NHÂN DUYÊN đều biết ngay con người đang sống trong VÔ MINH.
vvvv
Có bốn cửa vào để phá vòng tròn MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN. Phá vòng tròn 12 nhân duyên tức là diệt thế quan đau khổ của con người. Vì thế mọi người phải tùy theo đặc tướng và hoàn cảnh của mình để chọn lấy một cửa mà vào để cứu mình ra khỏi sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Cũng vì lẽ đó mà đức Phật giảng dạy MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN xong, Ngài kêu gọi mọi người hãy tin tấn dõng mãnh tu tập để chứng đạt chân lý giải thoát:“Này các tỳ kheo! Với pháp được Ta khéo thuyết, hiện thị, hiện lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dù chỉ còn lại da, gân và xương trên thân; dù thịt máu trở thành khô cạn, mong rằng tin tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tin tấn, nhờ trượng phu cần dõng. Và như vậy toàn bộ khổ uẩn này bị đoạn diệt”
“Khổ thay! Này các Tỳ kheo là người sống biếng nhác, dính đầy các ác pháp bất thiện và mục đích lớn làm chủ sinh, già, bệnh, chết bị suy giãm nên con người phải chịu nhiều đau khổ. Thật thương thay!
An lạc thay! Này các Tỳ kheo, là những người sống tinh cần, tinh tấn, viển ly các ác bất thiện pháp, và mục đích lớn làm chủ sinh, già, bênh, chết được viên mãn!”
(57 tương ưng tập 2)
Nếu thông suốt 12 nhân duyên mà không siêng năng tu tập viễn ly các ác bất thiện pháp thì làm sao gọi là người thông suốt 12 nhân duyên. Thông suốt 12 nhân duyên không phải là đi thuyết giảng, để dối gạt người, mà thông suốt 12 nhân duyên là siêng năng cần mẫn ngăn ác diệt các ác bất thiện pháp để chứng đạt tâm VÔ LẬU hoàn toàn.
HẾT
0 nhận xét :
Đăng nhận xét