Trích: "Chú giải Luật Thiện Kiến", quyển 10-11, Pháp sư Tăng-già-bạt-đà-la dịch sang Hoa văn năm 488 TL, Tỳ kheo Tâm Hạnh dịch sang Việt văn năm 2000 TL.-oOo-
... Ðây
là pháp niệm A-na-ba-na (Anàpànasati - quán hơi thở) mà
trong luật bản đã nói đến. Sau đây tôi sẽ trình bày đầy
đủ về câu văn và ý nghĩa pháp thiền vô thượng mà đức
Phật dạy cho các Tỳ kheo. Các vị hãy chú tâm lắng nghe để
ghi nhận.
Tỳ kheo hiện tại này,
Phật bảo các Tỳ kheo: - Không chỉ có tu tập pháp quán
bất tịnh mới trừ diệt được phiền não mà pháp quán hơi
thở này cũng trừ diệt được phiền não.
Pháp sư nói: - Tuần
tự sẽ giảng rộng, A-na-ba-na (anàpàna) nghĩa là hít
vào và thở ra. Như trong kinh có dạy: Tướng trạng hít vào
không phải là tướng thở ra, tướng thở ra không phải là
tướng hít vào, niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra, niệm
hơi thở ra vào thì tâm được định. Niệm hơi thở vào hơi
thở ra chính là chánh định. Các vị hãy biết rõ ý nghĩa
như vậy.
Sổ quán: nghĩa là nuôi
dưỡng (chánh niệm) làm cho tăng lên.
Làm lại: nghĩa là tư
duy đi, tư duy lại đến giai đoạn rất tịnh hảo.
Hỏi: - Hai pháp này ý
nghĩa thế nào?
Ðáp: - Không giống
nhau, bởi vì A-na-ba-na làm cho tâm không còn loạn động, còn
quán bất tịnh thường làm cho tâm không ổn định. Tại
sao? Vì nhàm chán. Trong luật bản có nói: Pháp này rất an
tịnh vi diệu tăng thêm làm cho an lạc mãi, ngay từ khi mới
phát tâm cũng đã không bị não loạn nên Như Lai khen ngợi
pháp này rất tốt đẹp an tịnh, có khí vi, làm cho thân tâm
hoan hỷ thoải mái, dễ thâm nhập.
Pháp khởi là không
bị trụ lại, không bị che đậy làm cho pháp ác bị tiêu
diệt rất nhanh, đạt bốn đạo quả tùy theo khả năng. Như
vào nửa tháng không mưa giữa mùa xuân, voi, ngựa, người,
bò dẫm đạp làm cho bụi bay khắp không trung. Vào tháng năm
đầu mùa hạ mưa to gió lớn làm cho trên không chẳng còn
chút bụi nào nữa. Pháp quán A-na-ba-na diệt trừ phiền não
như mưa làm mất bụi.
Phật bảo các Tỳ
kheo: - Ðối với pháp thiền định A-na-ba-na (anàpànasati-samàdhi)
thì tư duy, chánh niệm và hành trì như thế nào để biết
tu tập về niệm hơi thở. Các Tỳ kheo, người nào (vì lòng
tốt mà) xuất gia học đạo, ở tại nơi trống vắng, dưới
gốc cây, nơi rừng núi là những nơi đưa đến sự an
tịnh.
Hỏi: - Thế nào là
đưa đến sự an tịnh?
Ðáp: - Tránh xa nơi
ồn ào. Như người chăn bò có một con bò nghé phải bú
sữa mẹ từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn. Khi muốn lấy
sữa bò mẹ, phải cột bò nghé vào cây trụ. Bò nghé nhớ
sữa nên cứ kéo dây và đạp chân liên tục. Do dây chắc,
trụ cứng nên con nghé không thoát ra được phải dựa trụ
mà thở. Tỳ kheo như người chăn bò, bò mẹ như làng xóm,
tâm là con nghé, sữa là năm dục, cây trụ là A-lan-nhã (aranna),
dây cột là pháp niệm hơi thở, tất cả thiền định về
niệm hơi thở là pháp được chư Phật, A-la-hán, Duyên giác
tôn trọng. Nếu không xa lánh làng xóm tụ lạc thì tu tập
niệm hơi thở khó có kết quả. Tỳ kheo tu thiền nào nắm
rõ được định này rồi, tức là thâm nhập vào thiền
thứ tư và lấy đó làm nơi y cứ để quán sát về khổ,
không, vô ngã. Khi quán sát được thành tựu thì chứng
quả A-la-hán. Do đó, vì người tu tập thiền mà đức
Phật quy định về trú xứ A-lan-nhã.
Ðức Phật như thầy
địa lý (vatthuvijjàcariya) muốn xây dựng thành phố,
đất nước phải biết phân biệt rõ tướng tốt xấu của
các thế đất và tâu vua rằng vùng đất này tốt có thể
dựng nước, lập làng xóm... thì vua được lợi lớn. Nghe
theo lời, nhà vua cho dựng nước, làng xóm và ban thưởng
cho thầy địa lý.
Ðức Phật cũng vậy,
biết rõ về các cảnh giới thiền nên nói với người tu
tập thiền rằng pháp này dễ thành tựu được thiền. Nghe
lời và làm theo Phật dạy, những người tu thiền tuần
tự chứng quả A-la-hán, khen ngợi đức Phật cũng như nhà
vua tạ ơn thầy địa lý. Những người tu thiền như sư
tử ở trong rừng rậm ẩn kín thân để rình cầm thú. Con
nào đến gần, sư tử liền vọt ra bắt ăn thịt. Cũng
vậy, Tỳ kheo sống ở nơi A-lan-nhã theo dõi từng đạo
quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán và tuần tự
chứng đắc theo từng quả vị. Xưa có bài kệ:
Cũng như vua sư tử,
Ở ẩn trong núi rừng,
Rình các thú đến gần,
Liền bắt ngay, ăn thịt,
Phật tử cũng như vậy,
Ẩn cư nơi yên tịnh,
Tu tập đạo vô thượng,
Chứng đắc quả sa-môn.
Dưới gốc cây (rukkhamùlagata)
là ngồi hay kinh hành dưới gốc cây.
Tịnh thất (sunnàgàragata),
là trừ dưới gốc cây và chỗ A-lan-nhã ra, các chỗ ở yên
tịnh khác đều gọi là tịnh thất. Thời tiết thích hợp
với thân thể là thuận tiện cho việc tu tập niệm hơi
thở. Thế nên trong luật nói: Ngồi kiết già, đó là biểu
hiện sự tu tập niệm hơi thở... cũng dễ hiểu.
Ngồi kiết già: dễ
hiểu.
Ngồi thẳng là 18 đốt
xương sống nối thẳng nhau, thư thả lỏng gân, mạch, da.
Nếu ngồi mà giữ cứng các cơ thì rất nhanh mệt nhọc và
thối thất khỏi thiền.
Ðặt niệm ở trước
(mặt) (parimukham), là chánh niệm vào pháp thiền và đặt
nó trước mặt.
Hơi thở vào ra, là sau
khi ngồi kiết già ổn định, Tỳ kheo chánh niệm tỉnh giác
niệm hơi thở vào ra như sau: Biết rõ thở hơi dài, biết rõ
thở hơi ngắn. Nhờ biết rõ hơi thở dài ngắn nên tâm
được tịnh, không còn tán loạn; nhờ không tán loạn nên
thành tựu chánh niệm. Nhờ niệm và tuệ phát sinh nên
biết rõ hơi thở dài, ngắn. Như đứa bé trong thai, mới
vừa ra khỏi thai; (hành giả) có thể biết được hơi thở
dài hay ngắn ban đầu của nó.
Biết như thế nào? Cũng
như nước chảy tùy theo vật dài ngắn, như voi và rắn vì
thân to, dài nên hơi thở vì vậy mà dài, thân con ếch
ngắn nên hơi thở ngắn. Tỳ kheo tọa thiền cũng vậy,
nhờ ví dụ này mà biết hơi thở dài ngắn, nhờ chánh
niệm nên tâm sinh lạc, nhờ lạc nên hơi thở ra vào dài và
vi tế. Tâm trở nên an lạc nhờ hơi thở ra vào và càng an
lạc thì hơi thở càng nhẹ và dài. Nhờ lạc nên tâm hoan
hỷ và thêm hoan hỷ nửa, hơi thở nhờ vậy càng thêm vi
tế khó phân biệt và tiến đến tâm xả. Ðây là chín pháp
(nava àkàrà), các vị hãy biết lấy.
Biết rõ toàn thân, ta
thở ra; biết rõ toàn thân, ta thở vào, biết rõ hơi thở vào
ra toàn thân; biết rõ hơi thở dài, ngắn, trước, giữa,
sau một cách rõ ràng, bằng tâm biết rõ sự biết này,
biết hơi thở trước và sau. Lại nữa, có Tỳ kheo tu tập
thiền thấy hơi thở ra như rải bụi. Thấy rõ trong hiện
tại, thấy bắt đầu thở ra, không thấy giữa và sau,
muốn thấy giữa và sau thì tâm cũng không cảm nhận được.
Lại nữa, khi đã thở ra thì chỉ thấy hơi thở ở giữa
chứ không thấy hơi thở trước và sau. Lại nữa, khi thấy
hơi thở ra ở đoạn sau thì không thấy hơi thở ở đoạn
đầu và giữa.
Lại có Tỳ kheo thấy
rõ hơi thở ở cả ba giai đoạn đầu, giữa, cuối, vì tâm
vị ấy không có mệt mỏi. Ai đạt được như vậy là
thiện xảo với pháp thở ra vào.
Người học về thiền
này không nghỉ, không ngưng lại, luôn luôn quán sát hơi
thở ra vào thì hộ trì được ba nghiệp thân, miệng, ý,
gọi là giới học và định, tuệ. Tâm định gọi là định-học.
Nếu phân biệt rõ được giới và định thì gọi là tuệ.
Ðây là ba học. Ðối với quán xứ này, dùng chánh niệm đem
tâm tùy thuận theo pháp đã học và liên tục duy trì như
vậy cho đến về sau.
Người nào chuyên cần
học như vậy sẽ diệt được hơi thở vào, hơi thở ra.
Phần thô của hơi thở ra và vào bị diệt. Diệt nghĩa là
(diệt) sự trú vào (phần thô). Thô là gì? Tỳ kheo mới vào
thiền thì thân tâm mệt mỏi nên hơi thở ra vào thô nặng
đầy cả hai lỗ mũi và theo miệng thở ra vào nên thô. Khi
thân tâm không còn mệt nhọc thì hơi thở dần dần nhẹ đến
vi tế và Tỳ kheo sẽ sinh ý nghĩ phân vân ta còn có hơi
thở ra vào hay không. Như người leo lên núi cao, thân tâm
mệt nhọc, hơi thở nặng nề, nhưng lúc đi xuống núi đến
chỗ bằng phẳng, có ao nước và cây lớn. Người này sau
khi xuống ao tắm, đến nghỉ dưới bóng cây, hoặc ngủ
hoặc ngồi nghỉ, thân tâm trở nên mát mẻ và hơi thở
trở nên nhẹ nhàng vi tế. Tỳ kheo vừa nhập định cũng như
vậy, khi chưa điều phục đuợc thân tâm nên hơi thở ra vào
thô nặng. Vì sao? Vì không chánh niệm. Niệm trở nên vi
tế vì điều phục được thân tâm. Như có bài kệ:
Thân tâm rất mệt nhọc,
Nên hơi thở thô nặng.
Thiền thứ nhất thô (olàrika),
thiền thứ hai vi tế (sukhuma), thiền thứ ba tế hơn,
thiền thứ tư là định. Thiền thứ ba là thô, thiền thứ
tư gọi là tế. Ðây là chỗ tận cùng của hơi thở. Nếu
không giữ lấy hơi thở thì hơi thở vào ra thô, nếu giữ
hơi thở vào ra thì hơi thở tế. Không giữ nghĩa là thả hơi
thở. Giữ hơi thở nghĩa là bắt đầu thiền thứ tư chỉ
còn giữ tâm, đến khi vào thiền thứ tư thì không còn hơi
thở vào ra. Ðây gọi là pháp Xá-ma-đà (samatha - thiền
chỉ).
Pháp Tỳ-bà-xá-na (vipassanà
- thiền quán) không giữ phần rất thô của hơi thở ra
vào, quán sát bốn đại là tế, nếu quán Ưu-ba-đà-na sắc
tế (upàdàrùpapariggahe sukhuma - sở tạo sắc biến thủ
vi tế), sắc thô (năm căn và năm cảnh - người dịch)
do bốn đại tạo thành. Lại quán sát tất cả sắc tế,
sắc thô do bốn đại tạo thành, lại quán vô-sắc tế,
tất cả sắc thô sở tạo. Lại quán sắc và vô sắc tế,
vô sắc sở tạo thô, lại quán nhân duyên tế, sắc và vô
sắc sở tạo thô. Lại quán nhân và danh sắc tế, nhân duyên
sở tạo thô. Lại quán tướng quán Tỳ-bà-xá-na tế, nhân
và danh sắc sở tạo thô, quán tiểu tỳ-bà-xá-na tế, quán
tướng tỳ-bà-xá-na sở tạo thô, quán đại tỳ-bà-xá-na
tế, quán tiểu tỳ-bà-xá-na sở tạo thô. Theo thứ tự như
trước, thứ tự trước là tế, sau dần là thô. Thô tế
Ba-tát-đề (passaddhi - yên tịnh không mệt nhọc) được
nói trong Tam-bạt-đà (patisambhidà).
Hỏi: - Thế nào là
học về diệt hơi thở ra, hơi thở vào? Thế nào là hơi
thở ra? Thế nào là hơi thở vào?
Ðáp: - Niệm về thân
có hơi thở vào, học diệt hơi thở ra và hơi thở vào,
nhờ vậy thân tâm không nghiêng ngả, rút lại, lay động, yên
tịnh đến vi tế cực độ như không còn thân. Ðây gọi là
học diệt hơi thở vào hơi thở ra. Với hơi gió an trụ như
vậy mà chưa thành tựu niệm A-na-ba-na thì cũng chưa thành
tựu quán, chưa thành tựu trí tuệ thì chưa vào được định
này và cũng chưa xuất định này. Nếu học diệt hơi thở
vào, hơi thở ra mà thành tựu thì hơi gió an trụ không còn
sinh nữa, gọi là đã mở được trí tuệ hoàn toàn. Người
nhập được vào pháp này thì cũng từ đó xuất ra được.
Tại sao biết được?
Ví như đánh vào vật bằng đồng, bắt đầu phát tiếng to
sau đó nhỏ dần. Ðã nhớ rõ tiếng lớn thì sau đó cũng
ghi nhớ rõ tiếng nhỏ dần trong tâm. Sa đó tiếng nhỏ
dần rồi mất hẳn nhưng âm thanh vẫn còn ghi trong tâm. Hơi
thở ra, hơi thở vào cũng như vậy, trước thô sau vi tế,
ghi nhận bắt đầu là thô và dần dần đến tế. Ðến khi
tế thì hơi thở không còn, nhưng vẫn còn ghi nhớ trong tâm,
do sự ghi nhớ ấy nên tâm định trụ. Như vậy là đắc (định
nhờ) hơi thở về gió. Tâm đã định trụ do tập luyện mà
thành tựu về quán hơi thở vào, thở ra. Như vậy là thành
tựu về định hơi thở vào hơi thở ra. Người trí nhập vào
và xuất khỏi định này do sự chứng đạt trên. Do đó,
trong luật nói rằng diệt hơi thở ra, hơi thở vào rồi thì
sau đó (có thể) tùy theo niệm mà phát sinh, nên gọi là tùy
quán.
Biết rõ hơi thở vào,
hơi thở ra không phải tùy niệm, tùy niệm cũng không phải
hơi thở vào hơi thở ra. Nhờ hai pháp này, biết quán sát rõ
về thân này nhờ đó chứng đắc quả A-la-hán. Người
mới học thiền phải học theo trình tự sau: Tỳ kheo với tâm
thiện phải hộ trì thanh tịnh bốn loại giới.
Thanh tịnh có ba:
Một, không phạm giới.
Hai, lỡ phạm phải sám hối.
Ba, không bị các phiền não phá hoại.
Hộ trì giới thanh
tịnh như vậy thì thành tựu chánh niệm và đồng thời nên
làm phòng Phật, xây dựng khu vực cây Bồ đề, làm phòng
tắm cho hòa thượng, A-xà-lê; làm nhà thuyết giới. Trong
phần xây cất phòng xá thuộc 82 kiền-đà-ca có nói đến
bốn loại xây cất như vậy (cetiyangavatta-
bodhiyanganavatta- upajjhàyavatta- àcariyavatta- jantàgharavatta-
uposathàgàravatta- dvevisatikhandhakavattàni-cuddasavidhamahàvatta).
(Ai) thực hiện được như vậy là khéo trì giới. Tỳ kheo
nào ưa thích học giới này nên giữ đầy đủ. Nếu Tỳ
kheo nói: Tôi giữ giới đầy đủ không bị hư khuyết, mà
không (suy nghĩ rằng ta sẽ chết nên từ bỏ các việc làm
vô ích khác, để chăm chỉ chuyên cần trì giới. Tỳ kheo
như vậy mà đầy đủ giới thì không thể có. Tỳ kheo nào
khéo giữ giới thì Tỳ kheo ấy viên mãn về giới. Nhờ viên
mãn giới nên đắc định. Tại sao? Như trong kinh có nói:
Phật bảo các Tỳ kheo rằng nếu người không học tập hoàn
hảo về giới thì giới của người ấy khó đầy đủ. Có
bài kệ:
Chùa, gia định, lợi dưỡng,
Chúng, xây dựng là năm,
Ði chơi, thân thuộc, bệnh,
Ðọc, thần thông là mười.
Ai có thể xa lìa mười
pháp quyến luyến này (dasa-palibodhà - mười pháp trở
ngại cho sự giác ngộ) thì sau đó mới có thể nhập định.
Pháp thiền định có hai loại. Một là quán tất cả (sabbatha
kammatthàna). Hai là nhiếp thân thuộc (parihàriya
kammatthàna).
Hỏi: - Thế nào là quán
tất cả?
Ðáp: - Ðầu tiên là
đối với Tỳ kheo tăng, có tâm đại bi, niệm chết, quán
bất tịnh. Tỳ kheo có tâm từ thì bắt đầu quán từ tâm
này như thế nào. Khi bắt đầu quán, Tỳ kheo phải quán
theo từng phạm vi. Ðầu tiên là quán về Tỳ kheo tăng, sau
đó là quán về các vị trời, người sau đó quán về đại
phú gia, rồi quán đến người thường, sau đó quán đến
khắp cả chúng sinh.
Hỏi: - Vì sao phải quán
tâm từ về Tỳ kheo tăng trước?
Ðáp: - Vì sống chung.
Nếu tâm từ bao phủ khắp chúng Tỳ kheo thì được sống
an lạc.
Hỏi: - Vì sao phải quán
tâm từ về các vị trời?
Ðáp: - Vì sự hộ trì,
nếu tâm từ bao phủ khắp chư thiên thì chư thiên làm theo
thiện pháp với tâm nhu hòa.
Hỏi: - Tại sao phải
quán tâm từ về đại phú gia?
Ðáp: - Ðể họ làm
theo pháp thiện.
Hỏi: - Tại sao phải
quán tâm từ về người thường?
Ðáp: - Vì cùng hành pháp
như nhau nên không hại nhau.
Hỏi: - Tại sao phải
quán tâm từ về tất cả chúng sinh?
Ðáp: - Vì cho chúng không
còn khổ nạn.
Hỏi: - Tại sao phải
niệm cái chết?
Ðáp: - Ðể tăng trưởng
tâm thương mình nên không còn biếng nhác.
Quán bất tịnh là thánh
quán. Quán pháp bất tịnh này thì được xa lìa dục và
tất cả pháp ác. Dục là căn bản, nên phải tôn trọng pháp
quán bất tịnh vì nó thành lập được các pháp thiện, nên
gọi là quán tất cả.
Ðối với 38 pháp quán
(atthatimsàrammanàni), tùy ý tu tập, tu tập liên tục
thì gọi là nhiếp quán. Ðây gọi là niệm A-na-ba-na thể
nhập nhiếp quán.
Pháp sư nói: - Nay tôi
nói lược, vị nào muốn biết rõ thì xem đủ trong A-tỳ-đàm
Bà-sa (Visuddhimagga, Thanh tịnh đạo).
Giữ tịnh giới như
vậy và xa lìa các duyên sự (upacchinnapalibodha) thì
nhập định A-na-ba-na. Nhờ vào định A-na-ba-na nên đi sâu vào
bốn thiền và tiếp theo là quán khổ, không, vô thường. Quán
như vậy rồi, đến hỏi vị A-la-hán. Nếu không có vị
A-la-hán thì hỏi vị A-na-hàm. Nếu không có vị A-na-hàm thì
hỏi vị Tư-đà-hàm, nếu không có vị Tư-đà-hàm thì hỏi
vị Tu-đà-hoàn. Nếu không có vị Tu-đà-hoàn thì đến
hỏi vị đã đắc thiền.
Hỏi: - Tại sao phải
hỏi những vị như vậy?
Ðáp: - Những vị ấy
đã đắc thiền nên dễ chỉ dẫn cho ta.
Ví như theo dấu chân
voi thì dễ tìm đường, không bị lạc lối. Người đắc
đạo, đắc thiền cũng như vậy. Tại sao? Vì chỉ dạy cho
ta dễ dàng.
Pháp sư nói: - Tôi sẽ
nói bước đầu về sự tu tập. Vị Tỳ kheo với trang
phục gọn gàng đơn giản, không chứa vật dư, đầy đủ
uy nghi đi đến gặp vị thầy. Ðến nơi, hành giả phải
phục vụ (vatta) hoàn toàn theo ý muốn của vị thầy.
Từ từ, vị thầy với lòng thương nên cho nhận năm việc.
Ðó là: lấy, hỏi, bắt đầu, giữ, tướng.
- Lấy (thủ) là cho nhận lấy pháp thiền.
- Hỏi là được hỏi theo trình tự.
- Bắt đầu là đi vào pháp thiền định.
- Giữ là giữ vững lấy pháp thiền định.
- Tướng là phân biệt tướng mạo thiền định.
Ðây là năm phần.
Bước đầu phải
nhận lấy năm phần ấy vì làm cho thân thể không mệt
nhọc và không làm cho thầy dạy bị mệt nhọc. Năm phần này
dễ ghi nhớ và dễ tu tập theo nên được dạy trước.
Nhận lấy năm phần này
rồi, nếu tại chỗ ở của thầy thuận tiện thì ở lại,
nếu không tiện thì đi ở nơi khác. Người không có trí
tuệ thì ở cách xa thầy một do-tuần. Người có trị tuệ
thì được ở xa hơn. Nên xa lìa 18 loại trú xứ thì tốt (atthàrasesanàsana).
Có năm chỗ ở nên nhận (pancasenàsana). Nhận rồi nên
chấm dứt các công việc nhỏ nhặt, sau khi dùng bữa trưa nên
nghỉ ngơi một chút. Sau khi nghỉ trưa xong, nên niệm đến
Tam bảo làm cho tâm hoan hỷ. Phải theo lời thầy dạy, không
được quên mất. Phải ghi nhớ rõ pháp a-na-ba-na này trong tâm.
Pháp sư nói: - Tôi đã
nói sơ lược, trong A-tỳ-đàm nói rộng hơn, ông hãy tìm
hiểu lấy.
Ghi nhận trong tâm là
đếm, theo dõi (tùy), xúc chạm, an trí, quan sát, quay lại,
thanh tịnh, quán sát lại (ganàna anubadhanà thabanà
sallakkhanà vivattanà pàrisuddhi tesan ca patipassanà).
- Ðếm là bắt đầu với số một, hai.
- Theo dõi là ghi nhận liên tục hơi thở ra vào.
- Xúc chạm là nơi hơi thở tiếp xúc (khi ra vào).
- An trí là đạo.
- Tịnh là kết quả.
- Quán lại là pháp tướng.
Với người mới học,
ban đầu niệm rõ trong tâm pháp đếm số mà bắt đầu từ
số nhỏ từ một đến năm và đếm trở lại, không được
chỉ đếm đến ba hay bốn. Số lớn hơn là đếm từ một
đến mười rồi đếm ngược lại, không được đếm đến
tám, chín.
Hỏi: - Nếu đếm chỉ
đến ba hay bốn thì có gì không tốt?
Ðáp: - Nếu hơi thở
bị thúc ép thì khó điều khiển được tâm, như trong
chuồng có quá nhiều bò đang chen chúc lấn ép nhau thì chúng
sẽ phá chuồng để ra. Nếu đếm đủ mười thì thân thể
thoải mái như chuồng rộng rãi. Chuồng rộng thì bò được
nuôi dưỡng dễ dàng.
Hỏi: - Nếu đếm đến
tám, chín thì có gì không tốt?
Ðáp: - Không làm cho
nhầm lẫn nhưng sinh tâm phân vân, hoặc cho rằng ta được
thiền vị, nên sinh tâm mê hoặc. Với lỗi lầm như vậy,
ông hãy từ bỏ. Nếu đếm hơi thở mà đếm rõ chậm rãi
từ từ từng số, thì như người đong ngũ cốc, đầu tiên
đổ vào cho đầy rồi mới đếm một, sau đó mới đong
phần ấy sang. Nếu có cỏ đất thì ông ta nhặt vứt bỏ
ra, khi đổ vào đầy và đếm hai (rồi mới đong), tuần
tự đong như vậy cho đến mười. Tỳ kheo tọa thiền đếm
số (trước) hơi thở ra vào cũng như vậy.
Nếu đếm nhanh thì như
mục đồng đếm bò. Ðếm như thế nào?
Mục đồng có trí, tay
cầm roi, ngồi ngay trên trụ cửa chuồng, dùng viên...làm
số (sakkaram khipitvà) (để đếm) và lùa bò ra ngoài. Khi lùa
bò ra thì ông ta bắt đầu đếm một, hai,ba, bốn, năm... đến
mười con.
Tại sao đếm như
vậy? Có lúc bốn đại không đều hòa, hơi thở vào ra
nhanh thì tùy theo sự vào ra của hơi thở mà đếm nhanh 1.
2. 3. 4. 5; 1.2.3.4.5. Khi đếm bò, người chăn đứng ngay cửa
mà đếm, không đếm bò đang ở trong hay ngoài cửa. Nhờ
theo dõi số đếm mà tâm được định. Vì sao? Như người
đi thuyền ngược dòng nước chảy xiết (candasota), dùng
cây sào chống một, hai, ba, bốn, năm làm cho con thuyền được
vững vàng (để đi lên). Thở vào thở ra cũng vậy. Vì sao?
Tâm ví như chiếc thuyền, hơi thở vào ra như cây sào
chống, (thuyền) tâm trôi chảy theo (sông) năm dục mà được
hơi thở vào thở ra chế ngự làm tâm ổn định. Nếu hơi
thở vào mà tâm theo vào, như chất bổ vào thân làm cho no
đầy. Nếu thở ra mà tâm tùy theo ra, làm pháp quán bị
rộng lớn (phân tán). Do phân tán rộng nên tâm khó được
điều phục. Trừ hai pháp này, vị ấy chỉ trụ tâm tại
chỗ hơi thở tiếp xúc (chóp mũi hay đầu môi trên) thì sau
đó sẽ đắc định. Thế nên trong luật bản nói: Không
được đếm theo hơi thở ở trong hay ngoài.
Vậy đếm đến bao
giờ mới ngưng? Nếu tâm không còn loạn mà vẫn biết rõ hơi
thở ra vào thì không cần đếm nữa. Như vậy là đã bằng
phương tiện đếm mà được tùy niệm (an trú niệm).
Thế nào là tùy niệm?
Biết rõ hơi thở ra vào, không cần nhờ vào sự đếm nữa
mà vẫn biết rõ và an trú niệm trên ba chỗ (hơi thở ra đi).
Nếu thở ra thì bắt đầu là rốn, giữa là tim, cuối là
chóp mũi (nàbhi àdi hadayam majjham hàsikà poriyosàham).
Nếu thở vào thì bắt đầu ở chóp mũi, giữa là tim và
rốn là cuối. Nếu tâm đi theo hơi thở thì tâm không định.
Do tâm không định thì tâm bị dao động. Thế nên trong
luật nói: Nếu tâm đi theo hơi thở ra, hơi thở vào thì bên
trong tâm không định và trong tâm ngoài thân đều dao động.
Do dao động nên không đắc định. Nếu đi theo hơi thở vào
và ra là như vậy. Thế nên không được theo hơi thở vào và
ra ở giai đoạn giữa và sau, chỉ chú tâm ở chóp mũi, bám
chặt vào đó và ghi nhận hơi thở ra vào. Nếu từ bỏ sự
đếm số thì tâm ghi nhận tự vào định. Như có người
bị què trông giữ em bé bằng cách đặt em bé trong cái nôi
treo ở giữa nhà, ngồi một chỗ, lắc cái nôi qua lại mà
(người ấy) vẫn ở một chỗ chứ không phải di chuyển
bằng tay. Tỳ kheo tọa thiền cũng vậy. Lại nói: Ví như người
giữ cửa, không cần hỏi trước với những người ra vào,
chỉ hỏi khi họ đến ngay cửa, cũng không hỏi họ từ đâu
đến và cầm những vật gì, chỉ biết họ có ra vào mà thôi.
Tỳ kheo tọa thiền cũng vậy, không cần biết trước và
nghĩ lấy thở ra vào. Như vậy, ông hãy tự biết lấy.
Phật dạy: -Ai biết rõ
ba pháp thì tâm được định.
Ba pháp ấy là:
Một, ưa thích vào.
Hai, phương tiện.
Ba, được tăng trưởng.
Như cây gỗ lớn được
đặt vững trên mặt đất. Có người muốn xẻ cây này, trước
tiên xem xét vỏ cây, sau đó dùng cưa xẻ ra, tâm luôn chuyên
chú nhìn (chỗ) răng lưỡi cưa (tiếp xúc với gỗ), làm cho
nó đi thẳng đường chứ không nhìn lưỡi cưa qua lại. Quán
hơi thở ra vào cũng vậy. Tư duy về pháp thiền đang hành
trì, với phương pháp hoàn bị như cây gỗ lớn vững trên
đất. Quán sát kỹ chung quanh cây, như tâm khéo tư duy về
pháp thiền. Hơi thở ra vào cũng như lưỡi cưa qua lại. Tâm
chú ý vào lưỡi răng cưa, như chú ý vào đầu mũi. Tỳ
kheo tọa thiền nên hiểu ví dụ này, với thiền định
trong hiện tại, với phương tiện hoàn bị thì đật đến
chỗ tăng thượng.
Hỏi: - Thế nào là
thiền định?
Ðáp: - Thân tâm tinh
tấn và thành tựu nhuần nhuyễn là thiền định.
Hỏi: - Thế nào là phương
pháp (payoga) hoàn bị?
Ðáp: - Với dũng mãnh
tinh tấn làm tiêu trừ phiền não và diệt tận suy nghĩ.
Hỏi: - Thế nào là đạt
đến chỗ tăng thượng?
Ðáp: - Bằng dũng mãnh
tinh tấn làm tiêu trừ kiết sử (samyojana).
Ba pháp (tướng, thở vô,
thở ra) không phải được thành tựu chỉ do nhất tâm quán
sát mà cũng phải nhờ biết rõ ba pháp ấy. Và tâm không
dao động là nhờ vào pháp thiền định trong hiện hành, phương
pháp hoàn bị thì đưa đến chỗ tăng thượng. Khi đắc
được như vậy rồi, sau đó tâm dán chặt vào A-na-ba-na thì
gọi là thành tựu. Tỳ kheo nào thực hành pháp niệm
A-na-ba-na thì vị ấy làm sáng chói thế gian như mặt trăng
ra khỏi mây.
Trong thiền định này,
có người mới làm thì có tướng lành xuất hiện, có người
nhờ sổ-tức mà hiện ra tướng lành.
Tướng lành ấy thế nào?
Tỳ kheo này ngồi dưới đất hay trên giường, không có
tọa cụ, mà (có cảm giác) chỗ ngồi ấy lại mềm mại như
bông gòn. Vì sao? Vì đã sổ-tức nên làm cho thân thể nhẹ
nhàng thoải mái, và tuần tự, hơi thở ra vào thô bị
diệt, thân tâm nhẹ nhàng vô cùng, như ở giữa không trung.
Khi hơi thở trở nên vi tế thì như có như không. Như người
đánh khánh thì (âm thanh phát ra) trước lớn sau nhỏ. Tỳ
kheo tọa thiền sổ tức cũng vậy. Thế nên trong luật nói
trước to lớn sau nhỏ dần.
Pháp sư nói: - Thiền
định sổ tức này khác với những thiền định khác.
Những thiền định khác thì trước vi tế sau thô. Tỳ kheo
nào vào thiền sổ tức này mà thiền tướng không hiện rõ
thì không nên đứng dậy mà nên yên tâm ngồi ngay thẳng và
tư duy. Tư duy như thế nào? Khi đã biết thiền tướng không
hiện rõ, vị ấy nên tự nói: hơi thở vào hơi thở ra này
nơi nào có nơi nào không, có với ai, không có với ai. Và
tự nói rằng người đang ở trong thai mẹ, không có hơi
thở ra vào, khi đang lặn trong nước không có hơi thở ra vào,
chư thiên ở cõi Trường Thọ cũng không có hơi thở ra vào,
nhập vào thiền thứ tư cũng không có hơi thở ra vào, thây
chết cũng không có hơi thở ra vào, sắc hay vô sắc giới cũng
không có hơi thở ra vào, diệt tận định cũng không có hơi
thở ra vào.
Sau khi suy nghĩ như
vậy rồi, hành giả tự chê trách thân mình: Ngươi là người
trí tuệ, không phải đang ở trong bụng mẹ, không ở trong
nước, không ở cõi trời sắc và vô sắc giới, không
phải đang vào định diệt-tận, không phải đang ở cõi
trời Trường Thọ, chẳng phải là thây chết, cũng không
phải đang ở cõi thiền thứ tư. Ngươi đang có hơi thở ra
vào rất vi tế mà không thể biết được, hãy chú tâm
lại. Nếu với người có mũi dài, thì đặt tâm ở lỗ mũi
(nàsàputa). Nếu người có mũi ngắn thì chú tâm trên
đầu môi trên. Thế nên phải giữ chặt ở vị trí này.
Như trong kinh có nói:
Phật bảo các Tỳ kheo, người nào hay quên, không tỉnh giác
chú tâm được thì không thể nhập thiền định A-na-ba-na.
Không chỉ riêng thiền định A-na-ba-na mà đối với các
thiền định khác cũng vậy. Nếu ai chánh niệm được thì
thiền định sẽ hiện rõ. Thiền định A-na-ba-na này rất
trọng yếu. Chư Phật, Bích-Chi-Phật, đại A-la-hán
(Buddhapahà) đều dùng pháp niệm A-na-ba-na này làm nền móng
và sau đó mới được đắc đạo, tùy niệm đưa đến
cực tịnh. Thế nên trong định này tùy niệm phải được
tăng trưởng cùng trí tuệ.
Như may trên tấm vải
rất mỏng thì phải dùng kim chỉ rất nhỏ. Kim ví như tùy
niệm, chỉ như trí tuệ, liên kết với nhau không gián đoạn,
nhờ vào hai pháp này, không cho quên mất hơi thở vào và hơi
thở ra. Như người cày ruộng, khi con bò đã mệt và người
cày cũng mệt thì thả cho bò nghỉ ngơi. Sau được thả ra,
bò đi vào rừng. Nghỉ ngơi xong, người kia lại đi tìm bò
nhưng không cần tìm theo dấu chân bò, mà đi thẳng vào
rừng, đến nơi bò thường đi lại uống nước và nằm
hoặc ngồi chờ cho bò uống nước xong, dùng dây xỏ mũi bò
và cầm gậy tiếp tục lùa nó trở lại cày ruộng. Cũng như
vậy, Tỳ kheo thiền định về thở ra thở vào khi quá mệt
thì tạm thời ngừng lại và nghỉ ngơi, không theo dõi hơi
thở ra vào nữa mà chỉ đặt (niệm) ở chóp mũi, chú ý và
đếm hơi thở ra vào với chánh niệm ví như sợi dây (cột
mũi bò) và trí tuệ ví như cây gậy và cứ tiếp tục chú
ý đến (chỗ) hơi thở vào ra.
Nếu làm được như
vậy thì không bao lâu thiền tướng (nimitta) sẽ hiện
rõ (trở lại) và thân thể khoan khoái như tiếp xúc với bông
gòn, thân cảm thấy mềm mại. Có người thấy như chạm
vải kiết bối, có người thấy như chạm luồng gió mạnh,
có người thấy như các vì sao, có người thấy như chuỗi
ngọc, có người thấy như ngọc trắng bị vung vãi, có người
thấy như (chạm) phải hạt hoa kiết bối, có người thấy
như sợi dây, có người với sự tiếp xúc thô cứng, có người
thấy như ánh lửa, có người thấy như con khỉ, có người
thấy như mây nổi, có người thấy như hoa sen, có người
thấy như bánh xe, có người thấy như trăng tròn.
Vì sao? Như trong kinh nói:
Các Tỳ kheo tập họp tụng kinh nhưng mỗi người lại
thấy điềm lành khác nhau. Có người thấy như núi non, như
dòng sông, như cây rừng, tuy rằng với sự bắt đầu như
nhau.
Hỏi: - Với núi non, dòng
sông và cây rừng, do đâu mà có sự khác nhau này?
Ðáp: - Từ tâm tưởng
mà có. Do ý tưởng của từng người khác nhau nên sinh ra tướng
khác nhau. Có người quán về hơi thở ra, có người quán hơi
thở vào, có người quán thiền tướng (nimittàranamana).
Nếu không quán như vậy thì cũng không phát minh được pháp
A-na-ba-na (anapana-sati) và không thành pháp sơ thiền.
Nếu có ba pháp này thì thành tựu thiền định.
Tỳ kheo tọa thiền
nếu có xuất hiện tướng như vậy nên đi thưa với thầy:
Con thấy tướng trạng như vậy.
Thầy đáp rằng là tướng
thấy chứ không nói là tướng thiền nhưng cũng không nói
chẳng phải tướng thiền.
Sau khi dạy như vậy,
vị thầy nói: - Trưởng lão! Thầy hãy gia tâm thêm.
Pháp sư nói: - Vì sao
vị thầy không nói đó là thiền tướng hay chẳng phải
thiền tướng?
Ðáp: - Nếu nói với
vị ấy cụ thể riêng từng phần, đấy là thiền tướng
thì (vị ấy) sinh tâm giải đãi (vì kiêu căng nên bỏ
phế); nếu nói không phải thiền tướng thì (vị ấy)
thối tâm. Do đó không nói từng phần mà chỉ ân cần dạy
bảo, thì thiền tướng tự hiện.
Xưa có bài kệ:
Dán tâm nơi pháp quán
Sẽ hiện ra nhiều tướng,
Nếu người có trí tuệ,
Giữ tâm tiếp tục niệm
Ở hơi thở ra vào,
Tinh cần không tán loạn.
Khi thiền tướng xuất
hiện, thì các triền cái bị quản thúc, các phiền não
lặng yên tự ngưng lại. Nhờ hai pháp này mà tâm được an
trụ và trở thành định, hoặc đắc sơ địa, hoặc đắc
trừ phiền não địa, hoặc nhờ vào sự xuất hiện các
thiền chi mà đắc sơ địa (cận hành định). Ðây là đang
đắc sơ định địa.
Hỏi: - An trú vào định
(an chỉ định) và sơ định (cận hành định) là khác hay
giống nhau?
Ðáp: - Khác nhau, sơ định
- cận hành định - là tâm đã thuần thục, đi vào chỗ an
trú của tâm (Bà-bàn-già - Bhavanga, hữu phần: chỗ tâm yên
nghỉ). An trú vào định - an chỉ định - là tâm trong
cảnh giới này luôn cả ngày đã thuần thục không còn tùy
thuộc vào Bà-bàn-già. Hai pháp này khác nhau như vậy.
Nếu thiền tướng đã
hiện rõ, do quán sắc hoặc quán tướng mạo thì phát
triển thêm. Như vua Chuyển Luân còn ở trong thai, được cha
mẹ yêu mến bảo hộ, ở nơi điều hòa ấm mát và dùng các
thức ăn thích hợp. Nếu khéo nuôi dưỡng thì sẽ được
kết quả tốt đẹp.
Tỳ kheo hộ trì thiền
tướng cũng vậy, nếu không hộ trì luôn thì bị mất.
Vậy hộ trì như thế nào?
Một: Ở trú xứ thích hợp.
Hai: Khu vực đi lại (khất thực) thuận tiện.
Ba: Thân cận người thiện.
Bốn: Thực phẩm thích hợp.
Năm: Khí hậu điều hòa.
Sáu: Chọn uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm thích hợp.
Bảy: Tránh xa sự ồn ào và nhất là ăn uống.
Nhờ bảy pháp này hộ
trì thì thiền tướng được an trú kiến cố.
Tuần tự, thiền tướng
tăng trưởng và hiện rõ rồi, các căn được rất thanh
tịnh nhu nhuyến thì đối với tâm, nếu muốn thì có thể
giữ lại hay buông thả, sinh khởi hay điều phục, hoan hỷ
hay xả một cách dễ dàng, gần gũi người đắc thiền tướng
và tránh xa người chưa đắc thiền tướng, chí tâm đối
với thiền và biết rõ thiền tướng. Ðối với mười pháp
này người trí khéo an trú tâm vào, không được biếng nhác,
nên tinh cần tu tập, nên suy nghĩ rằng ta hãy an trú vững vào
định và xả bỏ tâm Bà-bàn-già (hữu phần) mà khởi lên
ý muốn hướng tâm (manadvàvajjanam uppajjati) trụ trong
một sát na rồi diệt, lại khởi lên bốn hay năm (4,5) xà-bà-na
(javana - tốc hành tâm).
Năm tâm này gồm có:
1- Tâm tác động; 2- Tâm học (cận-hành); 3- Tâm tùy thuận;
4- Tâm trung gian; 5- Tâm an trú.
Nếu gom năm tâm này thành
bốn, thì: 1- Tâm tác động cận hành; 2- Tâm tùy thuận; 3-
Tâm trung gian; 4- Tâm an trụ. Tâm thứ tư này cũng gọi là tâm
thứ năm, không có thứ sáu và thứ bảy.
Những tâm trước
thuộc dục giới, tâm thứ năm (an trụ) này thuộc
sắc-giới. Nhờ vào tâm này nên diệt năm chi (triền cái) và
phát sinh năm thiền chi (tầm, từ, hỷ, lạc, nhất tâm), đầy
đủ mười tướng (đặc tính) tốt đẹp cả ba (giai đoạn)
và đắc thiền thứ nhất rồi, thì tư niệm trong pháp quán
này hoàn toàn bị diệt và đắc thiền thứ hai, diệt tướng
này luôn thì chứng thiền thứ ba, đến thứ tư. Huấn
luyện tâm và vượt lên trên.
Pháp sư nói: - Ðây là
nói lược, nếu nói rộng thì hãy xem trong Thanh-tịnh-đạo (Visuddhimagga).
Tỳ kheo đã đắc
thiền thứ tư rồi, khéo ghi nhận và làm cho tăng trưởng.
Nếu muốn đạt đến chỗ hoàn toàn chân thật thì thiền
thứ tư này có năm điều tốt đẹp. Một, tâm trú; hai,
nhập vào; ba, sắc (quyết định); bốn; xuất ra; năm, quán
sát trở lại. Nhờ năm pháp này mà đạt đến chỗ chân
thật.
Tỳ kheo này đã tụ
tập thông suốt (pháp thiền này) có thể bắt đầu quán sát
với sắc, hoặc bắt đầu với vô sắc. Quán sắc và vô
sắc rồi lại tu tập tăng lên với pháp Tỳ-bà-xá-na (Vipassana,
niệm xứ). Tăng lên như thế nào?
Tỳ kheo xuất khỏi
thiền thứ tư rồi, vẫn nắm vững thiền chi (jhànanga).
Sau khi nắm vững thiền chi này trong tâm, tâm y vào bốn đại
chủng (cattàibhutani) mà quán sát thân bốn đại. Từ
thiền chi này mà nói thì bắt đầu là phi sắc (tâm) xứ.
Do pháp sắc, phi sắc (tâm) này mà thấy (tâm) thức. Bắt đầu
với bốn đại chủng mà có sắc cộng với các sắc tâm
thức không phải sắc. Nếu xuất khỏi định và (trở
lại) thở vào thở ra thì thân và tâm là nhân của nó. Như
ống bệ bằng da của người thợ rèn, nhờ sức chuyển động
nên có hơi gió vào. Hơi thở ra vào cũng vậy, nhờ vào thân
tâm nên thở ra vào. Tỳ kheo này thấy hơi thở ra vào nên
thấy thân, thấy sắc tâm sở.v.v... cùng với các pháp phi
sắc tâm này. Nhờ thấy rõ danh sắc như vậy, lại quán sát
thấy rõ nhân duyên làm cho danh sắc nối tiếp mãi không
ngừng trong ba đời.
Do danh sắc nối mãi nên
sinh hoài nghi. Sau khi đoạn trừ nghi ngờ (kankhà) rồi thì
quán sát ba tướng (của danh sắc là khổ, vô thường, vô
ngã), sau khi quán ba tướng rồi, lại quán sát sự sanh
diệt. Nhờ quán sát sanh diệt nên trước tiên thấy ánh sáng
và xa lìa mười phiền não thuộc Tỳ-bà-xá-na (dasavipassanùpakilesa).
Sau khi xa lìa (mười phiền não trên) vị ấy phát sinh trí
tuệ về đạo (patipadà-nàna, hành đạo tri kiến). Sau
khi vượt qua pháp đã phát sinh, lại thấy rõ pháp sanh
diệt (udayam pahàya bhangànupassanam patvà) và các niệm
kế tục nhau bị tiêu diệt. Nếu hai trí này (đạo trí và
hoại diệt trí) đã phát sinh thì đối với ba cõi, hành
giả sinh (tâm) nhàm chán (sabbasankhàresunibbindanto). Và
tuần tự đắc bốn đạo như vậy, hành giả đạt đến
quả A-la-hán. Có 19 trí quán sát (ekùnavísatibhedassapacavekkhan
ànànassa pariyatappatto sadevakassa lokassa aggadakkhineyyo hoti) biết
rõ (các pháp) đến cùng tận, và vị này trở thành bậc
ruộng phước vô thượng cho ba cõi gồm cả phạm, ma, Sa-môn,
Bà-la-môn.
Ðây là pháp niệm hơi
thở vào hơi thở ra. Và đã giải thích xong bốn câu đầu
của phần thứ nhất (bốn đề tài niệm về thân).
Bốn câu trong ba phần
còn lại cùng với các thiền khác không khác. Thế nên, tôi
sẽ giảng giải.
Giác là đang cảm giác
về hỷ: (trong đề tài) tôi đang (cảm giác) hít vào thở
ra rõ ràng với hỷ. Ðược cảm giác hỷ nhờ vào hai
việc. Ðó là:
1- Ðối tượng quán.
2- Không mê mờ.
Thế nào là có cảm giác
hỷ đối với đối tượng quán? Khi vào hai thiền thì có
hỷ. Ở trong thiền này, khi muốn được (hỷ thọ) với trí
tuệ thì với đối tượng quán, tự nhiên được cảm giác
hỷ thọ. Thế nên nhờ vào đối tượng quán mà được
cảm giác hỷ thọ.
Thế nào là nhờ không
mê mờ mà có cảm giác hỷ thọ? Hai thiền đều có hỷ,
sau khi nhập và xuất thiền này thì trí tuệ quán sát hỷ
ấy (sẽ bị) tiêu diệt nơi thiền quán, thấu suốt tướng
của nó (tướng quán) không bị mê mờ; nhờ không mê mờ nên
đạt đến cảm giác hỷ thọ.
Trong kinh Bà-trí-tam-tỳ-bà
(Patisambhidà - Vô ngại giải) nói: Bằng hơi thở vào
hơi thở ra mà đạt được nhất tâm. Tâm không tán loạn
thì biết tỉnh thức rõ ràng. Nhờ biết tỉnh thức rõ ràng
mà có cảm giác hỷ thọ. Nhờ thở ra dài nhờ thở vào
ngắn mà cảm giác được toàn thân, cảm giác được sự
diệt của thân. Nhờ thở vào thở ra thành tựu nhất tâm mà
biết rõ. Nhờ hai pháp này mà cảm giác phát sinh.
Do an tâm nên có cảm
giác hỷ thọ, nhờ biết rõ, nhờ pháp quán, quán ngược xuôi
làm tâm ổn định lại, chí tâm giữ tinh tấn mà phát sinh
hiểu biết, tâm tập trung ổn định biết rõ với trí
tuệ, cái cần phải biết thì biết rõ, cái cần phải xả
bỏ thì xả bỏ, cái cần phải quán sát thì quán sát, cái
hiện rõ (tu tập) thì hiện rõ và đưa đến cảm giác hỷ
thọ. Như vậy là đạt được cảm giác hỷ thọ. Các câu
sau ý nghĩa cũng theo như vậy. Trong ba thiền định có điểm
khác vì có cảm giác lạc còn ở bốn thiền định là cảm
giác tâm hành (cittasànkhàrapatisamvedita- cảm giác tâm hành)
Hỏi: - Tâm hành là gì?
Ðáp: - Thọ và tưởng
ấm (vedanàdayo duve khandhà) là tâm hành.
Cảm giác lạc đây
thuộc về thiền tuệ Tỳ-bà-xá-na. Lạc có hai: một là
lạc thuộc thân; hai là lạc thuộc tâm. Trong Vô-ngại-giải
có nói: Diệt tâm hành tức là ổn định tâm hành thô và
diệt nó (olàrikam cittasankhàram passambhanto nirodhento ti
attho) cũng gọi là định chỉ. Nếu nói rộng thì được
giải rõ trong phần thân hành, hãy tự nghiên cứu (yasankhàra).
Hỷ trong câu nói (cảm giác hỷ) về thọ là thuộc hành.
Nếu chọn lấy lạc thì thuộc cảm thọ. Cả hai trường
hợp cảm giác trên trong câu tâm hành (cảm giác tâm hành)
thì gồm cả tưởng và thọ tâm sở (sanna vedanà cetasika
- tưởng thọ tâm sở). Hai pháp này không rời tâm, nếu
chọn lấy tâm hành thì bao gồm cả tưởng và thọ. Bốn câu
trong phần này là nói xong về quán cảm thọ, hãy tự nghiên
cứu.
Câu cảm giác về tâm
trong bốn câu thuộc pháp thứ ba (niệm tâm) là thuộc về
cả bốn thiền định.
Cảm giác về tâm (abhippamodaya-citta)
nghĩa là gì? Cảm giác tâm hoan hỷ, hoan hỷ hoàn toàn, tâm
rất hoan hỷ, tôi đang cảm giác thở ra, thở vào. Có hai
mặt hoan hỷ, đó là nhờ vào định và nhờ vào tuệ quán.
Thế nào là nhờ định?
Có cảm giác hỷ và đi vào hai thiền định và khi đã vào
rồi cũng có hỷ, trong một sát na tâm cùng với hỷ.v.v.. hân
hoan vào trong tâm và rất hoan hỷ.
Thế nào là nhờ tuệ
quán mà nhập vào hai thiền định? Có hỷ (thay đổi) theo
thiền định (nhập vào) và xuất, và nhờ thấy hỷ có
thể bị tiêu diệt nên luôn tiếp xúc với thiền hỷ
(bằng tuệ). Như vậy, tuệ quán Tỳ-bát-xá-na (vipassanàkkhana)
luôn luôn hoạt động với hỷ rong từng sát na là nhờ vào
tuệ quán mà tâm có hỷ như vậy, tùy theo tâm mà có hân
hoan.
Tôi đang hít vào thở
ra với tâm hoàn toàn ổn định. Nhờ vào thiền định thứ
nhất, đặt tâm hoàn toàn ổn định trên đối tượng quán,
(hoặc là) sau khi đã nhập và xuất thiền, hành giả thấy
tâm thiền định bị diệt theo từng pháp trong tuệ quán
Tỳ-bát-xá-na này. Tâm định trong một sát na do hiện-quán
vượt qua tưởng. Tâm định khởi lên trong một sát na ấy
là nhất tâm định. Và tâm hoàn toàn an trụ trong tuệ quán
này.
Câu " Tôi cảm giác
(hít vào thở ra) với tâm giải thoát"
Nghĩa là giải thoát
khỏi phiền não, thoát ly tư và niệm (tầm và tứ) ở
thiền thứ hai, thoát ly hỷ ở thiền thứ ba, thoát ly khổ
và lạc ở thiền thứ tư, giải thoát theo tuần tự như
vậy. Sau khi (nhập) và xuất khỏi thiền, thấy rõ tâm
diệt theo từng pháp trong thiền tuệ Tỳ-bà-xá-na này. Khi hành
giả thấy vô thường thì xả bỏ pháp thường, thấy pháp
khổ thì xả bỏ tưởng về lạc, thấy vô ngã thì xả bỏ
tưởng về lạc (ngã?), tâm không còn tham đắm. Do không
tham đắm nên quán sát ly dục, từ nơi dục mà quán diệt tưởng,
từ chỗ sinh tưởng mà quán xả bỏ (chấp thủ), từ chấp
thủ mà tâm được giải thoát. Thế nên, trong luật nói:
(quán) hơi thở vào hơi thở ra thì tâm được giải thoát.
Trên đây là (giải thích) câu thứ tư trong phần quán tâm.
Trong bốn câu ở phần
thứ tư thì quán vô thường là tưởng vô thường, nên
biết rõ về quán vô thường, nên biết rõ về sự quán liên
tục về vô thường.
Hỏi: - Cái gì vô thường?
Ðáp: - Năm ấm vô thường.
Hỏi: - Tại sao năm ấm vô thường?
Ðáp: - Vì chúng là pháp
sanh diệt.
Hỏi: - Sanh diệt như
thế nào?
Ðáp: - Là pháp biến
đổi tướng trạng, vì biến đổi nên các pháp đã sinh
(bị biến đổi) không có tướng cố định trong từng sát
na sát na. Ðây gọi là quán vô thường. Bắt đầu là quán
về sắc. Quán sắc vô thường là quán sắc luôn luôn vô thường.
Quán sát nhân (của sắc) là do bốn đại chủng nên có hơi
thở ra hơi thở vào, chúng là pháp hoại diệt, nên gọi là
quán vô thường.
(Ðề tài) quán ly ái
dục.
Có hai loại quán ly ái
dục là: Một, quán tiêu trừ ái dục. Hai, quán hoàn toàn không
còn ái dục.
Hỏi: - Thế nào là tiêu
trừ ái dục?
Ðáp: - Các pháp bị
diệt trong từng sát na (sát na diệt)
Hỏi: - Thế nào là hoàn
toàn không còn ái dục?
Ðáp: - Quán hoàn toàn
không còn ái dục là Niết-bàn.
Nhờ hai pháp này mà đạt
đến chỗ thấy đạo; nhờ thấy đạo mà thấy được pháp
Tịch diệt.
Thấy tịch diệt rồi
thì quán xả ly. Nhờ quán tuệ Tỳ-bà-xá-na mà xả ly
phiền não, chuyển hướng về Niết-bàn.
Như vậy, đây là
(giải thích) phần cuối của pháp niệm hơi thở.
Hết phần Niệm hơi
thở
(Ànàpànasatisamàdhikathà nitthìtà).
(Ànàpànasatisamàdhikathà nitthìtà).
Trích: "Chú
giải Luật Thiện Kiến", quyển 10-11,
Pháp sư Tăng-già-bạt-đà-la dịch Hán,
Tỳ kheo Tâm Hạnh dịch Việt.
Pháp sư Tăng-già-bạt-đà-la dịch Hán,
Tỳ kheo Tâm Hạnh dịch Việt.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét