|
"Sự tĩnh lặng làm khởi sinh lên trí tuệ và trong sáng nhiều hơn gấp
bội sự suy nghĩ".
Trong Phần 1, tôi đã phác họa mục
tiêu của hành thiền, tức là sự tĩnh lặng vi diệu, sự an
định và trong sáng của tâm, làm thai
nghén cho các minh triết thật thâm sâu. Kế
đó, tôi
có nêu rõ đường lối chủ yếu,
như một sợi tơ bền chắc luồn suốt qua sự hành thiền, là sự buông bỏ
tất cả những gánh nặng về vật chất và tinh thần. Sau cùng, trong Phần 1,
tôi đã mô tả tỉ mỉ sự thực tập
đưa đến điều mà tôi gọi là giai
đoạn thứ nhất của sự hành thiền, và
giai đoạn đó xem như đã
đạt đến, khi nào hành giả
đã an trú thoải mái vào thời khắc hiện
tại, trong một khoảng thời gian dài và chẳng
đứt đoạn. Tôi đã nhấn mạnh rằng, "Thực tại hiện tiền rất huy
hoàng và kỳ diệu. ... Đạt đến đấy, bạn đã
thực hiện rất nhiều điều. Bạn đã buông
bỏ được gánh nặng đầu tiên, vốn
đã cản trở mức thiền
định thâm sâu." Nhưng dù
đã thành công
được nhiều như thế, thiền sinh cần phải tiến
xa thêm vào sự tĩnh lặng đẹp đẽ và
chân thật hơn của tâm thức.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rõ về
sự khác biệt giữa sự giác niệm tĩnh lặng về thời khắc hiện tại và
sự suy tư về trạng thái đó. Thí
dụ như xem một trận đấu quần vợt trên màn ảnh truyền hình. Khi
đang xem trận đấu ấy, rất có thể bạn để ý
rằng, thật ra, có hai trận đấu cùng xảy ra một lượt -- một trận bạn
đang nhìn thấy trên màn ảnh, và một
trận bạn đang nghe bình luận viên mô
tả. Thật vậy, nếu Úc-đại-lợi đấu với
Tân-tây-lan, giọng điệu lời bình luận của xướng ngôn viên người Úc
hoặc của xướng ngôn viên người Tân-tây-lan, sẽ khác nhau nhiều so với trận
đấu đang thật sự diễn ra. Bình luận
thường hay thiên vị. Trong thí dụ này, việc nhìn màn ảnh mà không có lời
bình luận, tương đương với sự giác
niệm tĩnh lặng trong thiền; còn để tâm
chú ý vào lời bình luận trong khi đang
xem trận đấu, tương đương với việc suy tư về sự giác niệm tĩnh
lặng đó. Bạn nên biết rằng, bạn sẽ
gần Chân Lý hơn, khi bạn chỉ quan sát mà không bình luận, khi bạn chỉ thể
nghiệm đơn thuần một sự giác niệm tĩnh lặng
về thời khắc hiện tại.
Đôi khi, qua sự bình luận trong nội tâm, ta cứ tưởng rằng ta
biết được chuyện thế gian. Thật ra, lời bình
luận đó chẳng biết gì
đến thế giới bên ngoài! Các lời nói
trong nội tâm đã dệt nên những ảo
tưởng mê lầm, tạo ra khổ não. Chính nó khiến ta sân hận với những ai mà ta
xem như kẻ thù, và tạo mối luyến ái nguy hiểm với những ai mà ta thương
mến. Lời nói nội tâm tạo ra tất cả mọi vấn đề
khó khăn cho cuộc đời. Nó tạo ra sợ hãi và mặc cảm tội lỗi. Nó tạo
ra lo âu và chán chường. Nó xây dựng nên các ảo tưởng, cũng như các bình
luận viên khéo léo trên màn ảnh truyền hình,
đã dùng thủ đoạn lèo lái thính
giả phải tức giận, hay buồn bã, nhỏ lệ nữa. Vậy, nếu bạn muốn tìm Chân Lý,
bạn phải quý trọng sự giác niệm tĩnh lặng, và trong khi hành thiền, hãy
xem sự giác niệm đó quan trọng hơn bất cứ suy
tư nào khác.
Cũng chỉ vì thiên hạ đã
đặt nặng giá trị thái quá nơi các tư tưởng
của họ, mới khiến cho sự giác niệm tĩnh lặng vướng phải một chướng ngại
trầm trọng. Hãy cẩn thận gạt bỏ tầm quan trọng mà ta
đặt vào tư tưởng của mình, và hãy nhận
thức giá trị chân thực của giác niệm tĩnh lặng,
đó chính là sự minh triết
để giúp cho giai đoạn thứ hai --
sự giác niệm tĩnh lặng về thời khắc hiện tại -- có thể thành
tựu được.
Một trong những cách hay nhất để khuất
phục được các lời bình luận trong nội tâm, là phát triển sự giác
niệm thật tế nhị vào thời khắc hiện tại, tế nhị
đến mức bạn phải theo dõi mỗi phút
giây thật cẩn thận, và không còn có thì giờ
để kịp bình luận về điều vừa xảy ra.
Một tư tưởng thường là ý kiến về một việc vừa mới xảy ra, thí dụ
như, "Điều đó đã tốt
đấy!" hoặc "Điều đó đã
xấu đấy!" "Cái gì
đã xảy ra
đấy?" Tất cả lời bình luận
đó đều liên quan
đến một kinh nghiệm vừa mới trải qua. Khi ghi
nhận, bình luận về một kinh nghiệm vừa mới trải qua, bạn không thể
đặt sự chú ý vào kinh nghiệm vừa mới
đến. Bạn tiếp các vị khách cũ đã
đến trước, và bỏ lơ các vị khách vừa
mới đến, ngay bây giờ!
Hãy tưởng tượng tâm bạn như là vị chủ trong bữa tiệc,
đang đứng đón khách trước cửa. Nếu một vị
khách bước vào, bạn chào và bắt đầu
nói với ông ta hết chuyện này đến
chuyện nọ, thì bạn đâu có làm
tròn phận sự là chú ý tới các vị khách khác vừa bước qua cửa. Bởi vì mỗi
lúc, khách khứa cứ lần lượt đến, bạn chỉ có
thể chào người này xong, liền quay sang chào người kế tiếp. Bạn
không có đủ thì giờ
để khơi chuyện, dù là chuyện ngắn ngủi
nhất, với một người nào, vì điều đó có nghĩa
là bạn sẽ bỏ sót vị khách mới đến ngay
sau đó. Trong hành thiền, tất cả các kinh nghiệm
đều đi vào nội tâm qua cửa của các
giác quan, cái này theo sau cái kia. Nếu bạn tiếp
đón một kinh nghiệm nào
đó với sự tỉnh thức và rồi bắt chuyện
(bình luận) với vị khách (kinh nghiệm) đó, thì
bạn sẽ bỏ lỡ mất cái kinh nghiệm vừa mới đến
tiếp theo sau.
Nếu bạn hoàn toàn sống trong từng giây khắc với mỗi kinh nghiệm, với
mỗi vị khách đến viếng tâm bạn, bạn không còn
chỗ nào dành cho các lời bình luận trong nội tâm nữa. Bạn không thể nào
trò chuyện với chính bạn, bởi vì bạn hoàn toàn bận bịu với sự
đón tiếp một cách tỉnh thức tất cả những gì
vừa đến với tâm bạn. Đó là sự tỉnh
thức tinh tế vào thời khắc hiện tại, tinh tế
đến mức nó trở thành một sự giác niệm tĩnh lặng về hiện tại trong
từng giây phút.
Bạn khám phá ra, trong việc phát triển mức tinh tế của sự im lặng nội
tâm, đó cũng tựa như vứt bỏ một gánh nặng to
lớn khác nữa. Cũng giống như bạn đã luôn luôn vác cái ba lô trên
vai từ bốn mươi, năm mươi năm nay, và
trong thời gian dài đó, bạn đã lê lết
qua nhiều dặm đường. Giờ đây, bạn thấy có đủ
can đảm và sáng suốt để chịu cởi cái
ba lô ra và đặt nó xuống đất trong một
lúc. Bạn cảm thấy thoải mái vô cùng, thật là nhẹ nhõm và thật là tự
do, bởi vì từ nay, bạn không còn bị đè
trĩu dưới cái ba lô nặng nề của lời lải nhải trong nội tâm nữa.
Một cách khác để phát triển sự giác niệm
tĩnh lặng là ghi nhận khoảng cách giữa các tư tưởng, giữa các lời
thì thầm trong nội tâm. Bạn cẩn thận theo dõi, với sự tỉnh thức thật bén
nhạy, khi một tư tưởng này vừa chấm dứt và trước khi một tư tưởng kia khởi
lên -- Đấy! Khoảng giữa đó chính là
giác niệm tĩnh lặng! Lúc đầu, có thể khoảng
cách đó chỉ tạm thời trong một chốc lát, nhưng một khi bạn đã nhận
chân được sự tĩnh lặng ngắn ngủi phớt qua đó,
bạn sẽ quen dần với nó; và khi bạn đã
quen với nó rồi, sự tĩnh lặng ấy sẽ kéo dài thêm ra. Bạn bắt
đầu vui hưởng sự tĩnh lặng, rốt cuộc rồi bạn
đã tìm nhận ra được nó, và cũng
vì thế, nó sẽ nẩy nở thêm lên. Nhưng hãy nhớ
điều này: sự tĩnh lặng ấy rất thẹn thùng. Nếu sự tĩnh lặng mà nghe
bạn nói đến nó, nó liền biến mất lập tức!
Thật là tuyệt diệu cho mỗi người chúng ta, nếu ta có thể buông bỏ
được các lời thì thầm trong nội tâm,
và an trú vào sự giác niệm tĩnh lặng về phút giây hiện tại,
đủ lâu, để nhận thức ra được nó mang lại niềm
hỷ lạc đến mức nào. Sự tĩnh lặng sẽ tạo khởi minh triết và trí tuệ,
nhiều hơn là sự suy tư. Khi ta nhận thức được
rằng sự tĩnh lặng nội tâm rất thú vị và có giá trị, thì nó sẽ trở
nên quan trọng và hấp dẫn đối với ta. Sự tĩnh
lặng trở thành nơi mà tâm hướng về đó.
Tâm liên tục tìm đến sự tĩnh lặng, cho
đến mức mà nó chỉ suy nghĩ khi thực sự cần thiết, chỉ khi nào việc
đó có ý nghĩa. Bởi vì, ở giai
đoạn này, bạn
đã nhận thức rằng, hầu hết các sự suy
nghĩ của chúng ta đều chẳng có nghĩa lý chi
cả, chẳng đưa ta tới đâu cả, chỉ làm cho ta
đau đầu; và từ
đó, bạn sẽ hân hoan, dễ dàng dành thêm
nhiều thì giờ để sống trong nội tâm an tịnh.
Do đó, giai đoạn thứ nhì của pháp
hành thiền này, là "sự giác niệm tĩnh lặng về thời khắc hiện tại".
Bạn có thể dùng phần lớn thì giờ của bạn để
phát triển hai giai đoạn trên; bởi vì nếu bạn
đạt đến mức độ như thế, bạn đã vượt
qua một đoạn đường dài trong việc hành
thiền. Trong sự giác niệm tĩnh lặng của "Ngay Bây Giờ", bạn sẽ thể
nghiệm được rất nhiều an tịnh, hoan hỷ, và
theo sau là trí tuệ.
Nếu bạn muốn đi xa hơn thế nữa, thay vì
chỉ chú tâm thầm lặng về bất cứ những gì khởi
đến trong tâm, bạn chọn sự chú tâm thầm lặng vào chỉ mỗi một
đối tượng thôi. Mỗi một
đối tượng
đó có thể là thể nghiệm về hơi thở, về
lòng Từ (mettà), về một vòng tròn có màu sắc hiển thị trong tâm (kasina,
biến xứ), hay là những đối tượng khác,
ít phổ thông hơn, làm đề mục của sự
giác niệm. Ngay đây, tôi sẽ mô tả sự giác niệm tĩnh lặng
trong thời khắc hiện tại về hơi thở, tức là sang giai
đoạn thứ ba của pháp hành thiền.
Chú tâm vào mỗi một đối tượng
có nghĩa là buông bỏ sự đa dạng phiền toái để
đi tới đối cực của nó là sự hợp nhất. Trong khi tâm bắt
đầu hợp nhất lại, duy trì chú ý vào
một đối tượng thôi, thì kinh nghiệm về
an tịnh, hỷ lạc và năng lực sẽ gia tăng lên
một cách rõ rệt. Bạn sẽ thấy rằng, ngay tại
đây, sự đa dạng của ý thức cùng lúc phải chăm
lo cho cả sáu giác quan khác nhau -- tựa như có sáu cái điện thoại trên
bàn cùng reo lên một lượt -- là một gánh nặng to lớn. Buông bỏ tính
đa dạng -- chỉ đặt trên bàn một
điện thoại thôi, một đường dây cá nhân riêng
biệt -- quả thật là một sự nhẹ nhõm và sẽ đưa
đến an lạc. Thấu hiểu rằng tính đa dạng chỉ là một gánh nặng, là
một điều tối cần thiết
để tâm có thể an trụ vào hơi thở.
Nếu đã phát triển
được sự giác niệm tĩnh lặng vào thời
khắc hiện tại trong một thời gian dài rồi, bạn sẽ thấy rất dễ dàng khi
muốn chuyển sự giác niệm tĩnh lặng đó sang
chú tâm vào hơi thở, và có thể theo dõi hơi thở từng giây, từng
phút, không bị gián đoạn. Đó là vì hai
trở ngại to lớn của pháp hành thiền về hơi thở
đã được
khuất phục xong. Trở ngại thứ nhất là tâm trí thường có khuynh
hướng cứ hay đi lang thang, trở lại với quá
khứ hoặc hướng về tương lai. Trở ngại thứ hai là các lời thì thầm
trong tâm. Chính vì vậy mà tôi đã
giảng rằng hai giai đoạn tiên khởi của
sự giác niệm về thời khắc hiện tại và giác niệm tĩnh lặng về
thời khắc hiện tại, được xem như là
sự chuẩn bị vững chắc cho mức thiền thâm sâu hơn về hơi thở.
Tôi thường thấy nhiều thiền sinh hay bắt
đầu hành thiền về hơi thở khi tâm trí họ còn nhảy nhót giữa dĩ vãng
và tương lai, và khi giác niệm của họ bị nhận chìm bởi các lời bình luận
thì thầm trong tâm. Thiếu sự chuẩn bị cần thiết, họ thấy hành thiền về hơi
thở rất khó khăn, khó thực hành, và
rồi họ bỏ cuộc trong sự bực bội. Họ bỏ cuộc vì họ không bắt
đầu đúng chỗ. Họ không làm xong các
công tác chuẩn bị, trước khi lấy hơi thở làm tiêu
điểm cho sự chú tâm. Vì thế, khi tâm
đã được
chuẩn bị chu đáo bằng cách hoàn tất cả hai giai
đoạn tiên khởi, bạn sẽ thấy khi quay
sang với hơi thở, bạn có thể nuôi dưỡng sự chú tâm vào hơi thở một cách dễ
dàng. Nếu thấy còn khó khăn để giữ bền sự chú
tâm vào hơi thở, thì đó là dấu
hiệu bạn đã bước quá vội qua hai giai
đoạn chuẩn bị. Bạn hãy trở lại thực
tập thuần thục hai giai đoạn tiên khởi
đó đi! Sự kiên nhẫn
đầy cẩn thận là con
đường tiến nhanh nhất.
Khi chú tâm vào hơi thở, bạn quan sát hơi thở hiện
đang xảy ra vào ngay lúc này. Bạn cảm
nhận "cái cho bạn biết hơi thở đang làm
gì", nó đang ra, hoặc đang vào, hoặc
đang ở giữa chừng. Vài vị thiền sư dạy
nên canh chừng hơi thở tại chót mũi, vài vị khác bảo theo dõi ở bụng, và
vài vị khác nữa bảo phải theo nó di động đến
chỗ này, rồi đến chỗ kia. Qua kinh
nghiệm bản thân, tôi thấy theo dõi hơi thở ngay tại chỗ nào cũng
được. Thật ra, tốt nhất là chẳng cần
định một chỗ nào cho hơi thở cả! Nếu
bạn đặt hơi thở ở chót mũi, đó là giác
niệm về chót mũi, không phải giác niệm về hơi thở; và nếu bạn
đặt hơi thở ở bụng, đó lại là giác
niệm về bụng. Ngay bây giờ, chỉ cần tự hỏi câu này: "Tôi
đang thở vào hay là
đang thở ra?" Làm sao bạn hay biết
được điều đó? Đấy! Kinh nghiệm ấy bảo cho bạn
biết hơi thở hiện đang làm gì, đấy
chính là điều mà bạn cần
đặt tiêu
điểm của sự chú tâm vào quán niệm hơi thở. Không cần quan tâm về
kinh nghiệm đã xảy ra tại chỗ nào; chỉ
cần chú tâm đến chính kinh nghiệm đó mà
thôi.
Một trở ngại thông thường trong giai đoạn
này là khuynh hướng muốn kiểm soát hơi thở, và
điều đó khiến cho hơi thở trở nên
thiếu thoải mái. Để vượt qua trở ngại đó, hãy
tưởng tượng rằng bạn chỉ là một hành khách
đang ngồi nhìn hơi thở qua khung kính cửa xe. Bạn chẳng phải là tài
xế đang lái, cũng chẳng phải là tài xế
ngồi ở ghế sau. Vậy, hãy ngưng việc ra lệnh, cứ buông thỏng và hưởng lấy
thú vị của chuyến đi xe. Hãy
để cho hơi thở tự nó làm công việc thở
của nó, trong khi bạn cứ giản dị quan sát mà chẳng hề can thiệp vào.
Khi biết hơi thở đang vào và hơi
thở đang ra, chừng một trăm hơi thở liên
tiếp, chẳng sót hơi nào, bạn đã thành
tựu được điều mà tôi gọi là giai
đoạn thứ ba của pháp thiền, tức là "sự
chú tâm vững bền vào hơi thở". Đây lại càng
an tịnh và hỷ lạc hơn giai đoạn trước. Để đi
sâu vào hơn nữa, giờ đây, bạn nhắm đến
sự hoàn toàn chú tâm vững bền vào hơi thở.
Giai đoạn thứ tư này, "hoàn toàn
chú tâm vững bền vào hơi thở", diễn ra khi bạn chú tâm bám sát theo
mỗi phút giây của hơi thở. Bạn biết hơi thở vào, ngay ở thời
điểm đầu tiên,
đúng lúc mà cảm giác về hơi thở
đó vừa khởi lên. Rồi bạn quan sát các
cảm giác ấy từ từ phát triển qua trọn tiến trình của một hơi thở vào,
chẳng bỏ sót một lúc nào khi hơi thở đang đi
vào. Khi hơi thở vào chấm dứt, bạn biết ngay lúc
đó, bạn thấy trong tâm cái cử động chót của
hơi thở vào đó. Kế đến, bạn
thấy, tiếp theo, có sự ngưng nghỉ một lúc ngắn giữa các hơi thở, và
nhiều chặp ngừng nghỉ nữa cho đến khi
hơi thở ra bắt đầu khởi lên.
Bạn thấy rõ lúc mới bắt đầu của hơi
thở ra và các cảm giác khởi lên tiếp theo sau, theo tiến trình hơi
thở ra, cho đến khi hơi thở đó biến mất
lúc xong phận sự. Tất cả những sự việc đó đều được làm trong im
lặng và ngay trong thời khắc hiện tại.
Bạn thể nghiệm mỗi phần của mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở
ra, một cách liên tục, trong nhiều trăm
hơi thở cùng một loạt. Vì thế, giai
đoạn này được gọi là "hoàn
toàn chú tâm vững bền vào hơi thở". Bạn không thể
đạt đến giai đoạn này bằng sự ép buộc,
bằng sự nắm bắt hay bám níu. Bạn chỉ có thể
đạt được mức độ an định đó bằng cách buông bỏ tất cả mọi sự vật trong toàn
thể vũ trụ này, ngoại trừ cái kinh nghiệm tức thời về hơi thở hiện
đang xảy ra trong thầm lặng. Không phải là
"Bạn" đạt đến giai đoạn này, mà
chính là Tâm mới đạt đến đấy.
Tâm, tự nó, làm nhiệm vụ của nó. Tâm nhận chân thấy giai
đoạn này là nơi trú nhập rất an tịnh
và dễ chịu, chỉ vì nó được "ở một mình"
với hơi thở. Đây là nơi mà "tác nhân"
(người làm, người tạo tác), cái thành phần quan trọng trong tự ngã
con người, bắt đầu biến đi mất dạng.
Trong giai đoạn hành thiền này, bạn
để ý thấy rằng sự tiến triển diễn ra hầu như
chẳng cần nỗ lực. Bạn chỉ cần đứng tránh sang một bên, buông bỏ, và
cẩn thận quan sát tất cả những gì đang xảy
ra. Nếu bạn để yên cho nó, tâm sẽ tự
động hướng về sự giản dị, an hòa và sảng khoái của việc
được "hòa làm một" với hơi thở trong
mỗi một thời khắc. Đó là sự hợp nhất
của tâm, hợp nhất trong thời khắc, hợp nhất trong an
định.
Giai đoạn thứ tư được tôi gọi là
"tấm ván lấy đà
để nhảy" (springboard) của sự hành
thiền, bởi vì từ nơi đây, bạn có thể lấy đà
để nhảy sâu vào các trạng thái hỷ lạc.
Khi bạn chỉ đơn thuần duy trì sự hợp
nhất của tâm thức, bằng cách không xen vào hơi thở, hơi thở sẽ bắt
đầu biến mất. Hơi thở xem ra dường như phai
mờ dần dần, trong khi tâm vẫn tập trung vào
điểm chính của sự thể nghiệm về hơi thở, tức
là sự an tịnh kỳ diệu, tự do và hạnh phúc.
Đến giai đoạn này, tôi dùng từ "hơi thở mỹ lệ" (hơi thở tuyệt
đẹp!). Ở tại đây, tâm nhận ra cái hơi thở an
hòa đó thật là vô cùng mỹ lệ.
Bạn nhận thức liên tục cái hơi thở mỹ lệ đó,
từng lúc, từng lúc, chẳng gián đoạn, trong chuỗi các kinh nghiệm. Bạn giác
niệm vẻ mỹ lệ của hơi thở, chẳng cần chút nỗ lực nào, và trong một
thời gian rất dài lâu.
Giờ đây, bạn để hơi thở tự nó biến mất, và
những gì còn lại chỉ là "vẻ mỹ lệ". Cái vẻ mỹ lệ phi thể chất
đó trở nên
đối tượng duy nhất của tâm. Giờ đây,
tâm lấy chính tâm làm đối tượng
của mình. Hiện giờ, bạn chẳng còn hay biết gì
đến hơi thở, thân thể, tư tưởng, âm thanh,
hoặc cả thế giới bên ngoài. Những gì bạn
đang hay biết là vẻ mỹ lệ, sự an hòa,
hạnh phúc, ánh sáng, hoặc bất cứ những gì mà tri giác của bạn sẽ
đặt tên. Bạn
đang thể nghiệm chỉ riêng về vẻ mỹ lệ,
một vẻ mỹ lệ trừu tượng, một cách liên tục, không cần cố gắng. Từ lâu rồi,
bạn đã buông bỏ sự thủ thỉ rù rì bên
trong, buông bỏ mọi sự mô tả và đánh giá.
Ngay đây, tâm rất an định, bất động đến mức bạn chẳng còn có thể
thốt lên lời nào.
Bạn đang thể nghiệm sự đơm hoa kết trái
đầu tiên của hạnh phúc trong tâm. Hạnh phúc
đó sẽ nẩy nở, lớn lên và trở nên thật
vững chắc và mạnh mẽ. Như thế, bạn bước vào các trạng thái thiền
được gọi là Thiền-na (Jhàna).
Nhưng đó là Phần 3 của tập sách nhỏ
này.
|
0 nhận xét :
Đăng nhận xét